Series này là một series hoàn toàn mới toanh, tụi mình vô tình search được trên Netflix. Lúc đầu, chỉ nghĩ nó liên quan đến ẩm thực, phù hợp với việc vừa ăn vừa coi của 2 vợ chồng, không đặt quá nhiều hi vọng ở 1 show mới mẻ như vậy, nhưng… thực sự sau 1 đến 2 tập thì tụi mình bị cuốn hút vào show này luôn.

Thời lượng:

Season 1 (2019): 6 tập, mỗi tập xoay quanh 1 nhà hàng đang làm ăn bết bát tại 1 quốc gia. Cụ thể sẽ diễn ra ở:

  • Đảo Malta: nhà hàng “Haber 16” tại làng chài Marsaxlokk của cầu thủ Justin Haber.
  • Hongkong: nhà hàng “Banyan Tree” tại làng đánh cá Tai O của Clifford & Charlene.
  • Canada: nhà hàng “Coconut Joe” tại Tobermory của Michael.
  • Áo: nhà hàng “Arlberg Boutique Hostel & Restaurant” tại Tyrol của Miriam & Dave.
  • Costa Rica: nhà hàng “The Look Out” tại Guancaste của Sandro & Elisa.
  • Đảo St. Lucia: nhà hàng “Roots” của Sue & Fluffy.

Có lẽ vì nhận được những phản hồi tốt mà season 2 chuẩn bị ra trong năm nay. Đang hóng 🙂

Nội dung chính và cảm nhận:

Host của chương trình gồm 3 người:

  • Đầu bếp Dennis Prescott
  • Nhà thiết kế nội thất Karin Bohn
  • Chủ nhà hàng Nick Liberato

Ngoại trừ Nick Liberato đang ở Cali (Mỹ) thì 2 người còn lại là người Canada hoặc đang sống ở Canada. Các host của chương trình sẽ lần lượt đến 1 số nhà hàng ở 1 số nước với tình trạng như xập xệ, doanh thu sụt giảm, tổ chức không hiệu quả… để từ đó trang trí lại về mặt thiết kế, nội thất, chỉ ra những điểm yếu, những thiếu sót trên mạng xã hội, set up lại menu, tổ chức lại khâu hoạt động… để vực dậy nhà hàng. Nội dung về cơ bản là như vậy. Nhưng vì sao nó hấp dẫn?

Lúc mới đầu xem, tụi mình chưa để ý lắm, sau ngờ ngợ rồi nhận ra rằng, kiểu show này không hẳn là mới lạ hoàn toàn. Trước đây đã từng có 1 show tương tự, do đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay làm, cũng khá thành công là “Kitchen Nightmare”, tụi mình cũng có theo dõi vài tập của show đó. Điểm khác biệt là show đó Gordon Ramsay làm chính, sau lưng ông thì có nguyên 1 đội ngũ ekip hùng hậu để làm những việc tổ chức khác. Theo mình thì vì Ramsay là đầu bếp nên show đó sẽ tập trung vào gian bếp và món ăn là chính.

Trở lại với show này của Netflix, sau khi coi xong các tập mình nhận thấy các nhà hàng này có vài điểm thất bại chung là thích nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, không tận dụng những nguyên liệu địa phương, không phát huy được cái hồn, bản sắc nơi mà mình sinh sống, vì vậy khó thu hút khách (vì đa số khách tới là du lịch), về lâu về dài sẽ có nhiều bất lợi, dễ rơi vào thế bị động. Thêm vào đó, hầu như là chưa có kinh nghiệm quản lý nhà hàng nên dễ bị rối, ít nhân sự (để tiết kiệm chi phí), chưa biết phân bổ công việc nên dịch vụ ngày càng kém, khách tới 1-2 lần, vừa chán không muốn quay lại, vừa để lại các bình luận không tốt trên các mạng xã hội.

Mình không biết chương trình đã phải tìm kiếm qua bao nhiêu nhà hàng và bao nhiêu địa điểm để chọn lựa được các nhà hàng đặc biệt lên show. Với mình, khi đi từ tập này qua tập khác, điều đầu tiên làm mình choáng ngợp là cảnh vật tại nước đó quá đẹp, nhìn trên TV thôi mà chỉ biết há hốc miệng thèm thuồng được đến 1 lần. Một vài điểm để lại ấn tượng sâu sắc cho bọn mình về show:

  • Thiên nhiên, cảnh vật đẹp đẽ, hùng vĩ: Malta, Áo. Lúc trước, mình cứ ước ao được đến Santorini (Hy Lạp) 1 lần, sau khi xem tập Malta, mình đã đổi ý luôn. Cảnh vừa đẹp, kiến trúc thì độc đáo, nghệ thuật ở đảo này không phải dạng vừa, thêm nữa lại thanh bình, không quá xô bồ như Santorini. Áo thì làm mình liên tưởng đến các câu chuyện cổ tích, nhìn những mảng xanh của cây cỏ, núi non, của những cây cầu hùng vĩ, vừa có gì đó hơi nguy hiểm ở đây, đúng là nên du lịch đến đây 1 lần trong đời nếu có điều kiện.
  • Nhà hàng sau khi trang trí xong, làm mình muốn đến nhất là nhà hàng ở Canada. Vừa mảng xanh của biển vừa mảng xanh của nhà hàng nhìn quá mát mắt, đối với mình có vẻ việc trang trí lại là thành công nhất. Thêm vào đó, khi đến Canada, không thể bỏ qua quán bar “Shameful Tiki” với các món cocktail độc đáo (nhất định phải thử).
  • Show này không mang đến cho bạn quá nhiều sự trầm trồ về ẩm thực nhưng mang đến thông tin về nhiều lĩnh vực như văn hoá, kiến trúc, bản sắc… của mỗi nước. Có thể những host không phải là những người giỏi nhất, nổi tiếng nhất trong các lĩnh vực của họ, nhưng hiểu biết của họ về văn hoá, con người ở mỗi nơi họ đến làm mình ngưỡng mộ và thích thú. Họ không áp đặt cái tôi của mình vào các nhà hàng, họ giữ được phần hồn của người chủ, phát huy các giá trị văn hoá của địa phương và thêm chút sáng tạo của bản thân, tạo nên nét riêng cho nhà hàng, giúp nó vừa đậm đà mà vẫn vừa cá tính.

Cám ơn mọi người đã đọc bài viết. Hi vọng bài viết trên giúp mọi người có thêm sự lựa chọn hay ho trong lúc không biết xem gì mùa này. Chúc mọi người nhiều sức khoẻ và hẹn gặp ở bài viết sau.

Usagi

*Ảnh từ internet

14,695 thoughts on “[Review TV Show] Restaurants on the edge

Leave a Reply

Your email address will not be published.