Trước đây trong phim Mr. Sunshine, sau khi có bạn comment về những tội ác của Nhật tại Triều Tiên và trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2 thì tụi mình tìm được 1 miniseries khá hay ho. Series này do chính đài NHK của Nhật thực hiện, nói về phiên toà xét xử về các tội ác của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2, đây là dạng phim tài liệu được quay xen kẽ giữa tư liệu đời thực và phim do diễn viên đóng. Series này có những góc nhìn, cách tiếp cận khá là mới lạ về các thẩm phán, các tội phạm tại phiên toà Tokyo. Đây là 1 bài review khá dài hơi và hơi nặng về lịch sử, bạn nào thích có thể nghía xuống phía dưới :).

Thời lượng:

4 tập

Giới thiệu nhân vật:

  1. Myron C. Cramer – thẩm phán Mỹ – Tim Ahern đóng.
  2. William D. Patrick – thẩm phán Anh – Paul Freeman đóng.
  3. Henri Bernard – thẩm phán Pháp – Serge Hazanavicius đóng.
  4. Bert V.A. Röling – thẩm phán Hà Lan – Marcel Hensema đóng.
  5. William Webb – chủ toạ phiên toà, thẩm phán Úc – Jonathan Hyde đóng.
  6. Radhabinod Pal – thẩm phán Ấn Độ – Irrfan Khan đóng.
  7. Edward Stuart McDougall – thẩm phán Canada – Stephen McHattie đóng.
  8. Mei Ju-ao – thẩm phán Trung Quốc – David Tse đóng.
  9. Erima H. Northcroft – thẩm phán New Zealand – Julian Wadham đóng.
  10. Delfín Jaranilla – thẩm phán Philippines – Bert Matias đóng.
  11. I.M Zaryanov – đại tướng của Liên Xô – Kestutis Stasys Jakstas đóng.

Bối cảnh ra đời:

Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương là một trong hai mặt trận chính của Đệ nhị thế chiến (1939 – 1945). Mặc dù không sánh được với cuộc chiến ở châu Âu, đặc biệt là cuộc chiến tranh Xô – Đức về mức độ tập trung binh lực và vai trò quyết định đối với cả thế chiến nhưng cuộc chiến tranh Thái Bình Dương là cuộc chiến diễn ra trên một không gian rộng lớn nhất trải dài từ Đông Bắc Á đến Miến Điện cũng như Hawaii, và có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của đa số các dân tộc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả nước Việt Nam của chúng ta.

Người Nhật gọi cuộc chiến này là Chiến tranh Đại Đông Á mà nguyên nhân chính là mâu thuẫn giữa các cường quốc tồn đọng từ sau Đệ nhứt thế chiến. Mâu thuẫn về quyền lực kinh tế và chính trị giữa Nhật Bản và các cường quốc phương Tây khác sâu sắc đến mức vượt qua cả mâu thuẫn ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Trong khi Đức Quốc Xã giáng đòn tấn công trước hết vào các cường quốc tư bản châu Âu rồi mới tiến đánh Liên Xô, thì quân phiệt Nhật đã chọn Mỹ rồi mới đến các đế quốc phương Tây làm đối thủ chính của mình, đồng thời hòa hoãn với Liên Xô ngay cả khi quân Đức tiến đến gần Moskva và Hitler ra sức hối thúc Nhật cùng đánh Liên Xô. Kẻ châm ngòi lửa chiến tranh chính là bọn quân phiệt Nhật với sự tuyên truyền cho binh lính, sỹ quan, dân chúng Nhật chiến đấu quyết tử vì Thiên Hoàng và vinh quang của Nhật Bản theo truyền thống võ sỹ đạo.

Tuy cuộc chiến tranh Thái Bình Dương chỉ chính thức được bắt đầu từ ngày 7 tháng 12 năm 1941 khi quân đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng và căn cứ quân đội Anh ở biên giới Thái Lan – Mã Lai nhưng thực tế trước đó cuộc chiến đã diễn ra với nhiều sự kiện nhen nhóm như ngày 18 tháng 9 năm 1931, Nhật Bản xâm lược Mãn Châu và dựng lên ở đây chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc, rồi hiệp ước Tam phương giữa Đức Quốc Xã – Phát Xít Ý – Quân Phiệt Nhật chống quốc tế cộng sản và sau đó là sự biến Lư Câu kiều dẫn đến Nhật xâm lược Trung Quốc… Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đã diễn ra trong hơn 3 năm 8 tháng cho đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 khi Nhật Hoàng chính thức tuyên đọc chỉ dụ đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện thì cuộc chiến tranh mới chấm dứt.

Thành lập:

Sau chiến tranh, cũng giống như tòa án Nürnberg/ Nuremberg trước đó dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc Xã, các nước Đồng Minh cũng lập ra Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo, có tên gọi chính thức là Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông (The International Military Tribunal for the Far East – IMTFE), để xét xử giới lãnh đạo của Đế quốc Nhật Bản với 3 loại tội ác chiến tranh như sau:

  • “Loại A” dành cho những kẻ đã tham gia vào những âm mưu chung nhằm phát động chiến tranh, loại này gồm những người có quyền hành cao nhất;
  • “Loại B” dành cho những kẻ phạm phải những tội ác “thông thường” (“conventional”) hoặc tội ác chống lại loài người;
  • “Loại C” dành cho những kẻ “lên kế hoạch, ra lệnh, cho phép, hoặc không chống lại các tội ác như trên ở những cấp chỉ huy cao hơn.”

Còn theo trong phim thì mình thấy nói 3 loại tội phạm:

  • Tội ác chống lại hòa bình (thường gọi là tội ác xâm lược),
  • Tội ác chống lại nhân loại (giết người, hủy diệt, nô dịch hóa, lưu đày… bao gồm cả tội ác được thực hiện bởi chính quyền với chính công dân của họ), và
  • Tội ác chiến tranh thông thường (đối xử tàn ác với tù nhân chiến tranh, hành động tàn bạo trên chiến trường)

Mười một quốc gia (Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Liên Xô, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) đã cung cấp các thẩm phán và công tố viên cho tòa án. Luật sư biện hộ bao gồm các luật sư Nhật Bản và Mỹ. Thẩm phán người Úc William Webb được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa Tokyo xét xử các sự việc diễn ra từ công ước Paris năm 1928 đến khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, lấy nền tảng xét xử là Hiến chương Tokyo do Đại tướng MacArthur ban hành ngày 19/01/1946 và tòa án Nuremberg để làm tiền lệ pháp lý.

Tòa án Quân sự Quốc tế này được triệu tập tại Ichigaya Court, trước đó là tòa nhà trụ sở của Lục quân Đế quốc Nhật Bản, ở Ichigaya, Tokyo, thì nay lại là nơi các thẩm phán bàn luận việc xét xử các tội phạm người Nhật. Phòng xử án được thiết kế giống hệt tòa án xét xử thành viên đảng Quốc Xã ở Nuremberg. Bối cảnh trong phim lấy viên thẩm phán người Hà Lan Bert Röling làm nhân vật chính. Xuyên suốt phim là những cảm xúc của ông trong suốt quá trình xét xử. Nếu như các thẩm phán khác đã mặc định những con người sắp bị đưa ra xét xử là những tội phạm chiến tranh thì ông cùng thẩm phán Pal (Ấn Độ) lại có một cái nhìn bao dung hơn, ông xem họ là những con người cần phải được xét xử đúng người đúng tội chứ không áp đặt tội danh theo định kiến hoặc do lòng căm thù dân tộc như những viên thẩm phán khác, cần phải cẩn trọng khi bước lên lằn ranh giữa công lý và trả thù, muốn tránh việc áp một luật không tồn tại vào thời điểm đó cho những người đã làm vậy. Lý luận của 2 viên thẩm phán này là: tuy Công ước Paris 1928 lên án chiến tranh dưới tư cách công cụ của chính sách quốc gia và Nhật Bản đã ký, nhưng nó không cung cấp cơ sở pháp lý cho việc tội phạm hóa chiến tranh, cũng không gợi ý bất kỳ hình phạt nào, cũng không nói gì về trách nhiệm của các sỹ quan hay chính trị gia với tư cách là thủ phạm riêng lẻ. Các nước cường quốc phương Tây cũng xâm lược các nước châu Á để làm thuộc địa vậy lấy quyền gì mà phán xét người Nhật vì họ tuyên bố rằng họ muốn giải phóng châu Á?? Và Công ước Paris 1928 cũng nói rằng mỗi quốc gia có thể tự phán quyết hành động chiến tranh của họ là tự vệ hay gây hấn, đó là quyền chủ quyền của họ.

Thẩm phán người Hà Lan Bert Röling có một người bạn Nhật là nhà văn Michio Takeyama thuộc tầng lớp trí thức. Qua những cuộc trò chuyện với người bạn này, ông hiểu thêm về cảm nghĩ của người Nhật về phiên tòa: giới quân phiệt thì tội lỗi đã rõ ràng nhưng vài người trong số các bị cáo đã bị biến thành vật tế thần. Quan điểm của ông về việc không nên xét xử các bị cáo có tội ác chống lại hòa bình bị chính phủ Hà Lan gây sức ép, bắt ông phải từ bỏ quan điểm này để theo các thẩm phán kia. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng hết mức có thể để có thể bảo vệ quan điểm của mình: ông tìm hiểu về Hoàng đế Napoleon I của Pháp như là một thí dụ về chiến tranh xâm lược, Napoleon I sau này bại trận nhưng kẻ thù đã không hành hình ông mà chỉ lưu đày ông cả sau 2 lần bại trận. Về chi tiết này thì đại tướng Liên Xô lại có cách nghĩ là các vua, hoàng đế châu Âu cứu Napoleon I vì họ cũng không muốn chính mình bị chặt đầu mỗi khi thua trận. Giữa 2 viên thẩm phán Ấn Độ và Hà Lan thì mình thấy thẩm phán Röling có vẻ ít bảo thủ hơn, không như thẩm phán Pal, từ chối, tẩy chay các cuộc thảo luận, Röling vẫn tham dự để thúc đẩy phiên tòa.

Bộ phim cũng khắc họa những đấu đá chính trị trong nội bộ phiên tòa:

  • Chuyện liên minh với nhau để gây sức ép để hất cẳng chủ tọa phiên tòa W. Webb (Úc) khi việc xét xử không theo ý mình của các thẩm phán Anh, New Zealand, Canada, sau này có thêm Mỹ,
  • Hoặc cùng nhau lập thành một nhóm riêng đa số kết bè kéo phái tự ra bản án mà không cần hợp tác với các thẩm phán khác hay chủ toạ phiên tòa.
  • Chuyện các thẩm phán đại diện cho quốc gia của mình có người thì tuân theo hoàn toàn chỉ thị của chính phủ nhưng cũng có người lại độc lập, có chính kiến riêng.
  • Một số cho rằng nên xét xử cả Thiên Hoàng Showa (Chiêu Hòa) vì đã ngầm chấp thuận những chính sách của Nhật Bản trong chiến tranh, ông là người đứng đầu có trách nhiệm cao nhứt nhưng chính quyền Mỹ đã bảo vệ Nhật Hoàng Hirohito vì họ coi ông là biểu tượng của sự thống nhất và chủ nghĩa bảo thủ Nhật Bản, hai đặc tính có lợi trong quan điểm hậu thế chiến của Hoa Kỳ.

Chuyện cái bóng của Đại tướng Mỹ MacArthur (tổng chỉ huy mặt trận Thái Bình Dương của quân Đồng Minh) đứng sau phiên tòa, không giống như Tòa án Nuremberg xét xử các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã; nơi có bốn công tố viên trưởng, đại diện cho Vương quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô. Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo chỉ bao gồm một công tố viên trưởng người Mỹ là Joseph B. Keenan, cựu trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ.

Những đấu đá chính trị nội bộ giữa các thẩm phán đã làm cho phiên tòa kéo dài hơn thời gian dự kiến rất nhiều: Phiên tòa bắt đầu được triệu tập ngày 29/04/1946, đến 12/11/1948 mới tạm kết thúc. Sự đấu đá đó cũng đã thể hiện những mâu thuẫn còn tồn tại trong nội bộ của phe Đồng Minh sau Đệ nhị Thế chiến mà sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ – Liên Xô sau này hay rất nhiều cuộc chiến khác nổ ra khắp thế giới.

Một phần thú vị khác là sự đề cập của phim về lý lẽ của những luật sư biện hộ cho các bị cáo, luật sư Blakeney tuy là người Mỹ nhưng vị luật sư này lại có những biện hộ thuyết phục, đanh thép bảo vệ các bị cáo người Nhật tại phiên tòa:

  • Ông cho rằng giết chóc trong chiến tranh không phải tội giết người nếu việc chiến tranh là hợp pháp và lấy thí dụ việc thả bom nguyên tử ở Hiroshima làm chết rất nhiều dân thường thì phi công thả bom, tham mưu trưởng, hay thậm chí tổng thống Mỹ có phải chịu trách nhiệm không??
  • Đến phần biện hộ cho việc Nhật đánh Trân Châu Cảng, ông cho rằng các quan chức chủ chốt của Mỹ đã biết trước vụ tấn công của Nhật, với nhân chứng là một sỹ quan Mỹ đã được giao nhiệm vụ giải mã một bức điện từ chính phủ Nhật gửi tới Đại sứ quán của họ tại Washington, bức điện là tối hậu thư được chuyển tới chính phủ Mỹ, và đã được giải mã rồi gửi cho tổng thống Roosevelt. Vậy thì tuy phía Mỹ không biết Trân Châu Cảng sẽ là mục tiêu nhưng họ biết cuộc chiến sắp xảy ra, do đó vụ tấn công không phải là bất ngờ, thời gian cần thiết giữa cảnh báo và bắt đầu chiến tranh không được chỉ rõ trong bất kỳ thỏa thuận luật quốc tế nào, nghĩa là có thể chỉ cần 1 phút giữa 2 việc đó.
  • Luật sư người Nhật Kiyose thì cho rằng công ước Paris 1928 lên án chiến tranh nhưng không cho rằng đó là tội ác vậy tại sao lại xét xử tội ác chống lại hòa bình với các bị cáo khi tiến hành chiến tranh xâm lược trong khi không hề có luật đó tại thời điểm diễn ra hành động. Ông muốn tòa án phải bãi bỏ hoàn toàn việc truy tố các bị cáo tội danh tiến hành chiến tranh xâm lược.

Các bị cáo nổi tiếng trong phiên toà:

Tojo Hideki (Đông Điều Anh Cơ): bị cáo được nhiều người quan tâm nhứt, là cựu Thủ tướng Đế quốc Nhật Bản thời gian diễn ra Đệ nhị Thế chiến. Trước phiên tòa để biện hộ cho bản thân ông đã nói “Không có thần dân Nhật nào dám làm trái lại ý chỉ của Thiên Hoàng, nhứt là trong số các quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản”. Nhưng ba ngày sau lại đổi lời khai vì hôm trước là nói với tư cách thần dân “Việc tiến hành chiến tranh là do lời đề nghị của tôi và các lãnh đạo cấp cao khác, Thiên Hoàng bệ hạ dù có lưỡng lự, đã đồng ý với chiến tranh. Tình yêu và sự khao khát của Thiên Hoàng bệ hạ với hòa bình vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận khoảnh khắc chiến tranh bắt đầu, và dù là trong chiến tranh tình cảm của bệ hạ vẫn duy trì như cũ. Tình cảm quan tâm của Thiên Hoàng bệ hạ có thể được thấy rõ ràng từ Sắc lệnh Hoàng gia ban hành vào 08/12/1941 để tuyên chiến”. Trong thánh chỉ đó có câu “Cuộc chiến này không thể tránh khỏi và trái với mong ước của riêng ta”. Lời khai này của ông rõ ràng đã phủ nhận trách nhiệm của Nhật Hoàng. “quân đội đã nhiều lần làm trái ý muốn và làm Thiên Hoàng phiền lòng”. Có lẽ ông đã bị gây sức ép đằng sau nhằm thay đổi lời khai có lợi cho Thiên Hoàng Showa (Chiêu Hòa).

Togo Shigenori (Đông Hưng Mậu Đức): Một bị cáo nổi tiếng khác, là ngoại trưởng Nhật Bản trong thời gian diễn ra chiến tranh. Ông phản đối xung đột vũ trang với Mỹ nhưng thất bại khi thuyết phục người khác và cuối cùng đồng ý gây chiến khi nội các bỏ phiếu quyết định. Phim có làm gia đình ông thông qua quan hệ với một nữ ca sỹ Đức định cư ở Nhật nhằm tiếp xúc với thẩm phán Röling nhưng ông cự tuyệt ngay vì không muốn mình thiếu khách quan và sự công bằng. Một số thẩm phán cho rằng Togo có thể từ chức để nội các phải giải tán nhằm phản đối chiến tranh nhưng đã không làm vậy nhưng thẩm phán Röling của Hà Lan và thẩm phán Bernard của Pháp lại cho rằng ông là một người can đảm đã ở lại để cố chấm dứt cuộc chiến mà ông đã không ngăn được.

Ngoài Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông, nhiều tòa án khác bên ngoài Nhật Bản cũng tiến hành xét xử khoảng 5.000 người Nhật vi phạm các tội ác chiến tranh, trong đó có hơn 900 người đã bị hành quyết.

Kết quả:

Ngày 03/05/1946, ở Tokyo, Nhật Bản, Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông bắt đầu xét xử 28 quan chức chính phủ và sĩ quan quân đội Nhật Bản bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh và chống lại loài người trong Đệ nhị Thế chiến.

Đến ngày 04/11/1948 kết quả là 25 trên 28 bị cáo bị tuyên là có tội: 2 trong số 3 bị cáo còn lại đã chết trong thời gian phiên tòa diễn ra, một người còn lại được tuyên bố là mất trí. Thẩm phán Webb đã mất 7 ngày để đọc phán quyết cuối cùng dài 1212 trang, trong đó:

  • Thành viên Ấn Độ bất đồng với phán quyết đa số,
  • Thành viên Pháp và Hà Lan bất đồng một phần với phán quyết đa số.

Ngày 12/11 cùng năm, Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo thông qua án tử hình đối với 7 người: trong đó có Đại tướng Tojo Hideki (Đông Điều Anh Cơ) – Thủ tướng Nhật Bản trong thời gian chiến tranh, và một số quan chức cấp cao khác, trong đó có Đại tướng Matsui Iwane, người tổ chức vụ Thảm sát Nam Kinh, và Kimura Heitaro, người tiến hành bạo hành tù binh chiến tranh của quân đội Đồng Minh, và Hirota Koki (Quảng Điền Hoằng Nghị), cựu thủ tướng và ngoại trưởng Nhật Bản giai đoạn bắt đầu đánh chiếm Trung Quốc năm 1937. 16 người khác bị kết án tù chung thân, 2 người còn lại cũng phải chịu án tù. Cựu ngoại trưởng Togo Shigenori (Đông Hưng Mậu Đức) bị kết án 20 năm tù giam nhưng ông đã mất vì viêm túi mật khi đang ở trong tù ngày 23/07/1950. Ngày 23/12/1948, Tojo và 6 người khác bị hành quyết (bằng cách treo cổ) tại Tokyo.

Số phận các thẩm phán sau phiên toà:

  • Thẩm phán Ấn Độ Pal đại diện nước mình ở Ủy ban Luật Quốc tế Liên Hợp Quốc. Ông đến Nhật 4 lần và thăm vài tội phạm chiến tranh ở nhà tù Sugamo.
Bên trái là hình thật và phải là hình trong phim.
  • Thẩm phán Úc Webb, chủ tịch phiên tòa trở về Tòa án Tối cao Liên Bang Úc. Ông sống cuộc đời bình yên với con cháu.
  • Thẩm phán Trung Quốc Mei trở về quê hương, trở thành người ủng hộ Mao Trạch Đông và làm một quan chức về luật. Sau đó, ông thành nạn nhân của Đại Cách mạng Văn hóa.
  • Thẩm phán New Zealand Northcroft trở về Tòa án Tối cao New Zealand. Ông được ban tước hiệp sỹ vì cống hiến cho Tòa án Tokyo.
  • Thẩm phán Philippines Jaranilla sớm không làm cho nhà nước nữa. Ông dành phần đời còn lại ở hòn đảo quê nhà Panay và ở Manila.
  • Đại tướng Liên Xô Zaryanov vẫn là cấp dưới trung thành của Stalin. Ông bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Liên Xô sau khi Stalin chết và bị cách chức trong quân đội.
  • Thẩm phán Hà Lan Röling thành giáo sư luật quốc tế ở đại học Groningen. Dưới sự dẫn dắt của ông Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo được thành lập.
  • Thẩm phán Canada McDougall quay về Tòa Thượng thẩm Quebec. Ông rất được tôn trọng ở Canada vì cống hiến ở Tòa án Tokyo.
  • Thẩm phán Pháp Bernard thành quan chức luật cho thực dân Pháp ở châu Phi. Sau khi về hưu, ông về quê ở Arles, miền nam nước Pháp.
  • Thẩm phán Vương quốc Anh Patrick trở về Tòa án Tối cao Scotland nhưng sức khỏe của ông không hồi phục.
  • Thẩm phán Mỹ Cramer giải ngũ về hưu và mở 1 công ty luật ở Washington. Ở đó ông tiếp tục bận rộn đến hết đời.
Chân dung ngoài đời thực của các vị thẩm phán:
Hàng trên: Ấn Độ – Hà Lan – Canada – Pháp – New Zealand – Philippines (từ trái qua phải)
Hàng dưới: Anh – Mỹ – Úc – Trung Quốc – Liên Xô (từ trái qua phải)

Năm 1998, 50 năm sau khi Tòa án Tokyo kết thúc, 120 nước chấp nhận các luật xác định sự thành lập ICC (Tòa án Hình sự Quốc tế). Năm 2002, ICC mở ra ở Hà Lan. Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc không tham gia ICC, nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ việc này vì 3 nước trên đã không tham gia vai trò cần thiết. Các cuộc chiến và xung đột hỗn loạn vẫn tiếp tục xảy ra khắp thế giới…

Cám ơn mọi người đã đọc đến cuối cùng. Hi vọng bài viết mang đến những góc nhìn thú vị và hữu ích với mọi người. Hẹn gặp mọi người ở 1 bài viết khác.

Kuma

*Ảnh từ internet

32,282 thoughts on “[Review TV Show] Tokyo Trial – Toà án Tokyo

  1. Hi my loved one I wish to say that this post is amazing nice written and include approximately all vital infos Id like to peer more posts like this

Leave a Reply

Your email address will not be published.