Bộ phim này lúc mới ra mắt đã gây bão, ở thời điểm hiện tại, hiếm có ai yêu thích đề tài “cung đấu” mà chưa xem bộ phim này. Review này với mục đích chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của mình, chứ trong thời gian chiếu chắc đã không ít bài viết được đăng đàn.

Giới thiệu nhân vật:

  1. Ngụy Anh Lạc – xuất thân là cung nữ tú phường (thêu thùa) nhờ tài trí, mưu lược từng bước trở thành Lệnh Ý Hoàng Quý Phi. Sau được con trai là Gia Khánh Đế truy tặng Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu – Ngô Cẩn Ngôn đóng.
  2. Càn Long Đế – vị vua thứ 6 của nhà Thanh, miếu – thụy hiệu là Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế, anh main của phim – Nhiếp Viễn đóng.
  3. Phú Sát Phó Hằng– em trai của Hoàng hậu Phú Sát, là tướng giỏi của nhà Thanh, có tình cảm với Ngụy Anh Lạc – Hứa Khải đóng.
  4. Phú Sát Dung Âm – Hoàng Hậu đầu tiên của Càn Long Đế, sau có thụy hiệu là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu – Tần Lam đóng.
  5. Ô Lạp Na Lạp Thục Thận – Nhàn Phi, sau này trở thành Hoàng Hậu thứ 2 của Càn Long, về sau lại bị phế, là Hoàng hậu duy nhất của nhà Thanh không có thụy hiệu – Xa Thị Mạn đóng.
  6. Cao Ninh Hinh – Cao Quý Phi – Đàm Trác đóng.
  7. Tô Tịnh Hảo – Thuần Quý Phi, bạn thân với Phú Sát Hoàng Hậu, có tình cảm đặc biệt với Phó Hằng, nhưng không được đáp lại – Vương Viện Khả đóng.
  8. Kha Lý Diệp Đặc A Nghiên – Du phi, mẹ đẻ của Ngũ A Ca – Luyện Trác Mai đóng.
  9. Kim Thị Gia Tần, mẹ đẻ của Tứ A Ca – Phan Thời Nhất đóng.
  10. Trầm Bích – Thuận Tần, nguyên bản là Dung Phi trong lịch sử – Trương Gia Nghê đóng.
  11. Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu Nữu Hỗ Lộc Thị – mẹ của Càn Long – Tống Xuân Lệ đóng.
  12. Hòa Thân Vương Hoằng Trú – em trai của Càn Long, con thứ 5 của Ung Chính Đế – Hồng Nghiêu đóng.
  13. Hỉ Tháp Lạp Nhĩ Tình – người hầu lâu năm của Phú Sát Hoàng hậu, sau là đích phúc tấn của Phó Hằng – Tô Thanh đóng.
  14. Viên Xuân Vọng – thái giám có thân phận phức tạp, âm mưu lật đổ và muốn Càn Long đau khổ – Vương Mậu Lôi đóng.

Thời lượng:

70 tập

Cảm nhận và nội dung:

Bộ phim lấy bối cảnh thời Càn Long nhà Thanh Trung Quốc, với nhân vật chính là Ngụy Anh Lạc, từng bước trở thành Lệnh Phi rồi yên vị ở vị trí Hoàng Quý Phi nắm giữ lục cung. Bản thân bà là người Hán, lại xuất thân là cung nữ để leo lên được vị trí đó là 1 quá trình không dễ dàng, chưa kể thời gian “thăng tiến” khá là nhanh và thời gian sủng ái rất lâu. Khi đã quá chán chê với những bộ phim mang mô-típ nữ bánh bèo, thì đây là sự lựa chọn hàng đầu. Đây là dạng “nữ cường” thứ thiệt. Mặc dù phim làm ở thời xưa nhưng nữ chính rất mạnh mẽ, có mục đích rõ ràng, mang tư tưởng “có thù tất báo” nên coi không bị ức chế.

Dàn diễn viên hùng hậu, chất lượng, đẹp, hợp vai, diễn tốt. Bạn nữ chính nét cứ lạ lạ sao đó, lạ mà kiểu xấu lạ ah, lúc mới coi mình không ngấm nổi luôn, không hiểu sao đạo diễn giao vai kỳ cục, coi quen thì thấy không tới nỗi, có cá tính riêng, hình ngoài đời không tới nỗi mà lên phim “ghê quá”. Bên cạnh đó, nếu bạn nào yêu sử và đã quá chán chê những bộ phim với trang phục sến sẩm thì phim này đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, cách búi tóc và trang điểm luôn. Vì vậy không khó hiểu khi nó gây bão ngay từ những tập đầu.

Phần âm nhạc trong phim cũng được đầu tư không kém, phần hòa âm phối khí sử dụng nhạc cụ dân tộc, sử dụng chất liệu kinh kịch (thể loại ca kịch đang nổi tiếng thời Càn Long luôn). Lúc đầu nghe chưa quen, thấy rợn rợn người thật sự, nhưng khi nghe quen rồi thấy đúng là hợp, lồng ghép vào các cảnh đẩy cảm xúc người xem lên tốt.

Bộ phim này là bộ phim dài hơi với nhiều tình tiết, sự kiện, nhân vật nên lần này mình sẽ review theo kiểu khác, theo dòng sự kiện xoay quanh nhân vật chính của phim.

Bại tướng dưới tay Ngụy Anh Lạc:

Cẩm Tú & Phương Cô Cô

Là cung nữ tú phường, nhập cung cùng thời điểm với Anh Lạc (AL), hay cà khịa, kiếm chuyện với AL, mặc dù bị AL dằn mặt nhiều lần nhưng Cẩm Tú không tởn. Trong 1 lần bắt gặp AL nói chuyện với Khánh Tích (anh rể hụt của AL), cô mật báo cho Phương Cô Cô (người quản lý các cung nữ), 2 người này âm mưu bắt gian AL tại trận. AL tương kế tựu kế giả bộ có bầu, cuối cùng cả 2 chịu hình phạt vì vu oan cho người khác.

-> Phương Cô Cô: phạt 40 trượng, trục xuất khỏi cung. Cái đau là bà này gần tới ngày xuất cung rồi, bị đuổi vậy sẽ mất tiền trợ cấp hàng tháng.

-> Cẩm Tú: bị đày tới Tân Giả Khố (nơi làm các việc khổ sai nặng nhọc, hôi thối như dọn, đổ phân…)

Linh Lung

Cùng hội cùng thuyền với Cẩm Tú, người khinh thường xuất thân của AL, cao cơ hơn Cẩm Tú chút, chơi trò ném đá giấu tay, kích Cẩm Tú, mượn tay Cẩm Tú chơi AL. Cuối cùng Cẩm Tú thua cuộc, Linh Lung lên sàn.

Vụ 1: tố AL với Cao Quý Phi vụ lá tỳ bà non, hại AL phải giả ngốc ăn 7 chén chè trôi nước, bị AL ép ăn lại chè trôi nước trả thù.

Vụ 2: đố kỵ về tài năng của AL. Khi AL được chọn là người đại diện thêu phượng bào cho Hoàng hậu, cô trộm chỉ khổng tước, hại AL phải tìm nguyên liệu thay thế. Nhờ có “bàn tay vô cực” AL không những thoát tội còn được Hoàng hậu để mắt, điều đến Trường Xuân cung làm cung nữ.

Vụ 3: gài bẫy, đổ tội trộm chỉ khổng tước cho Cát Tường (bạn thân AL), hại Cát Tường bị đánh đến chết.

Vụ 4: bị AL gài vào bẫy tỉ thí với mình để chọn người làm y phục cho Hoàng thượng, cũng nổi tính chơi xấu, tráo sản phẩm của mình với AL, bị AL tương kế tựu kế bỏ kim vào áo -> Hoàng thượng trách tội -> bị phạt 80 trượng và đày đến tháp Ninh Cổ, mãi mãi không được về kinh.

Gia Tần

Là người không có gia thế, nên về phe Cao Quý Phi, chấp nhận làm tay sai để có vị trí vững chắc trong hậu cung, đồng thời giúp gia đình thăng quan tiến chức. Chị này thường là người tham mưu, đứng mũi chịu sào cho các hành vi ác độc của Cao Quý Phi (nếu bại lộ). Vì muốn bảo vệ vị trí cho con mình, người này không tiếc thủ đoạn đứng sau giật dây, kích Cao Quý Phi, gây bất hòa hậu cung, o ép, mưu hại hoàng tự của Du Quý Nhân: thả chó của Cao Quý Phi cắn Du Quý Nhân; mua chuộc cung nữ Du Quý Nhân, thế bột trân châu (do Hoàng hậu tặng) bằng bột vỏ sò.

-> tính kế để Du Quý Nhân sảy thai, đồng thời đổ tội danh này lên người Hoàng hậu.

Tất cả lần lượt đều bị AL lật tẩy và chơi lại. Sau nhiều lần bày mưu tính kế thất bại, bị Cao Quý Phi nhìn rõ bản chất, sự lợi dụng và “ăn hại” thì chế quyết chơi lớn, sử dụng cả con trai mình trong ván bài cuối. Tiếc cho em, ván này bị chơi hội đồng bởi Nhàn Phi (lúc này đã không còn “nhàn”) và Thuần Phi. Cuối cùng em bị đày vào lãnh cung, Nhàn Phi là người thực hiện nghi thức “thắt nơ”, tiễn em đoạn đường cuối.

Cao Quý Phi

Một người xinh đẹp, có tài ca hát, coi trọng sắc đẹp và yêu thích kinh kịch. Từ lúc còn ở Tiềm để, chị này đã ở vị trí trắc phúc tấn, đến khi Hoằng Lịch lên ngôi, được phong làm quý phi, chỉ dưới Hoàng hậu lúc bấy giờ.

Nhân vật Cao Quý Phi trong phim này có vẻ được đạo diễn cho hút cần hơi nhiều, ảo tưởng sức mạnh, láo lếu với Hoàng hậu quá thể, không coi ai ra gì. Một mình một thế lực chống lại cả hậu cung, không để ai vào mắt, tối ngày đố kỵ với Hoàng hậu, diêm dúa, mặc đồ, phục sức toàn muốn nổi hơn chế Hậu, lời lẽ, thái độ gì cũng chống Hoàng hậu ra mặt. Mình ấn tượng với tông giọng chị này trong phim, giọng cao, lảnh lót, nét mặt lạ chứ mình chưa thấm nổi vẻ đẹp. Lúc đầu mình không có chút tình cảm nào với nhân vật này, nhưng về sau khi nhân vật này bộc bạch nỗi lòng, thật ra cũng có nét đáng thương, cô đơn trong gia đình của chính mình: mẹ lạc vào tay thổ phỉ và chết, gia đình cha trọng danh dự nên không cho an táng, mẹ mất không bao lâu, có mẹ kế. Những ngày tháng sống với mẹ kế càng làm oán thù trong lòng cô sâu sắc hơn. Đến cuối đời Cao Quý Phi cũng chỉ tâm nguyện cho mẹ mình được chôn cất trong gia tộc.

Tuy nhiên tuổi thơ bất hạnh cũng không thể bao biện cho những hành vi ác độc của 1 con người, giống như việc tội phạm giết người không thể viện cớ bị ám ảnh tâm lý, có vết thương lòng… các kiểu để làm càn, cứ coi như đây là “yếu tố giảm nhẹ”, khi coi phim ta được coi 2 mặt của 1 con người, để thấy con người này cũng còn có góc khuất, cứu chữa được. Ở chị này còn 1 điểm đáng thương là khao khát làm mẹ, nhưng đến cuối con đường, khát khao này vẫn chưa được đền đáp.

Ở bộ phim này, chúng ta không cần chờ lâu để thấy quả báo mà nhân vật phản diện phải gánh chịu. Cách đấu đá trong phim này coi đã vì cảm giác hả hê, sắp xếp trông như nhân quả. Người ta nói con giun xéo lắm cũng quằn, nếu ngày đó chị này không hà hiếp Nhàn phi tan cửa nát nhà chắc đã không có kết cục ngày sau. Qua đó thấy được Nhàn phi im im nhưng nắm hết điểm yếu từng người, đánh vào chỗ coi trọng sắc đẹp hơn sinh mạng của Cao Quý Phi, đánh 1 đòn chí mạng, áp chế tinh thần, chị này tất tuyệt vọng. Lần này Cao Quý Phi tự thắt nơ cho bản thân mình, Nhàn phi không cần động tay. Đối với nhân vật này có vẻ AL chỉ mượn nước đẩy thuyền thôi, Nhàn Phi mới chính là người trực tiếp ra tay, nhưng mình tạm xếp ở đây vậy.

Minh Ngọc

Một trong 2 người hầu thân cận của Phú Sát Hoàng hậu. Bản chất Minh Ngọc không phải người xấu nhưng dễ bị kích động, lợi dụng. Lúc đầu khi AL mới vào Trường Xuân cung, bị Nhĩ Tình kích nên cô đối đầu với AL; sau khi xảy ra nhiều chuyện, Minh Ngọc dần hiểu hơn về con người AL, đề phòng Nhĩ Tình, 2 người dần trở thành đồng minh. Sau cái chết của Phú Sát Hoàng hậu, AL bị đưa đến Viên Minh Viên, Minh Ngọc trở thành cung nữ cho Thuần Phi. Trong 1 lần vô tình, cô biết được mối quan hệ của Ngọc Hồ (cung nữ thân cận bên cạnh Thuần Phi) với thái giám Thục Hỏa Xử (phụ trách củi lửa, sưởi ấm…), việc này khiến cô trở thành cái gai trong mắt, cần loại trừ.

Nhờ cuộc gặp gỡ Minh Ngọc tại Viên Minh Viên, AL sôi sục ý chí trả thù, quyết tâm nhập cung tranh sủng, từ đó cuộc đời của Minh Ngọc cũng gắn liền với vinh nhục của AL. Mình thấy tiếc nuối, tội nghiệp cho nhân vật này, những tưởng tìm được ý trung nhân, kết thúc cuộc sống cung nữ, nhưng đúng lúc này bịnh cô tái phát (do cây kim Thuần Phi đâm vào người Minh Ngọc không thể rút ra hết, có cái đã đi vào lục phủ ngũ tạng). Cái chết của Minh Ngọc thương tâm, để lại nỗi buồn cho cả AL và Hải Lan Sát.

Nhĩ Tình

Đại cung nữ của Trường Xuân Cung, theo Phú Sát Hoàng hậu lâu nhất. Ngoài mặt hiền lương thục đức, nhưng bên trong tâm địa sâu không thấy đáy. Đây là nhân vật phản diện trơ trẽn, ác độc không cần nói rồi. Kích Minh Ngọc khiến Minh Ngọc và AL bất hòa, gài Phó Hằng khiến anh phải cưới cô, ngủ với Hoàng thượng trả thù việc Hoàng hậu không tác hợp cho mình, trả thù Phó Hằng lạnh lùng với mình, ghen tuông vô cớ đánh đập, rút móng tay người hầu. Nghe tới đây là thấy không khác gì phờ o hay mụ phù thủy rồi, vô ơn, trơ trẽn, phản bội, đê tiện thật sự.

Người này đến chết cũng không hối cải, chỉ đáng tiếc khúc AL giết Nhĩ Tình lại bị cắt, coi không đã gì hết. Đối với nhân vật này, cách giải quyết của đạo diễn làm mình không hả hê gì hết, kết thúc như vậy là quá nhẹ nhàng cho nhân vật này, mặc dù đã cố ý cho đích thân AL và Minh Ngọc xử.

Nhân chuyện AL xử chết Nhĩ Tình bằng thuốc độc, mình nói 1 chút chuyện bên lề, chi tiết này khá là khiên cưỡng, mặc dù AL là sủng phi nhưng không phải muốn làm gì là làm đâu. Nhĩ Tình dù gì cũng là vợ của nhất đẳng công thần, cho dù Phó Hằng có đồng ý nín nhịn về chuyện này, chưa chắc gia tộc Phú Sát đã đồng ý. Càn Long dù quyền lớn nhưng muốn kết tội, giết vợ công thần phải có lý do rõ ràng, không phải nói muốn giết là giết, mà lại giết mờ ám vậy nữa, việc này dễ dẫn đến mất lòng dân chúng, đại thần và lớn hơn là cớ để xảy ra nội loạn, huống hồ gì người ra tay là AL và Càn Long là người bao che. Nói chung là chi tiết này hơi sạn.

Thuần Phi

Theo như phim thì Thuần Phi được miêu tả như 1 kỳ nữ, thông minh, giỏi giang, có đức hạnh, xinh đẹp (nói thiệt chứ ngoài đời còn thấy đẹp, chứ trong phim thấy móm xọm, mình không thích nét nhân vật này). Mới đầu vì yêu Phó Hằng nên thân thiết, làm cánh tay đắc lực cho Hoàng hậu, luôn lấy cớ bịnh hoạn để từ chối Vua (khúc này cẩu huyết sao ah). Sau khi thấy Phó Hằng yêu AL, bị Phó Hằng từ chối, sinh hận, lại bị Nhàn Phi kích vào, quyết định tranh sủng, bày kế xử luôn con chị Hậu (Thất A Ca). Nhân vật này và Nhàn Phi là 2 nhân vật mà mình thấy nội tâm biến chuyển nhiều nhất của phim.

Sau khi Phú Sát Hoàng hậu mất thì Thuần Phi là người được sủng nhất. Du Phi vì bảo vệ con trai mình mà về phe Thuần Phi, nhưng để trả ơn AL ngày trước, cô đã bày mưu hi sinh bản thân, đồng thời kéo Thuần Phi xuống bùn theo. Kế Hoàng hậu đã biết việc Thuần Phi hại Thất A Ca nên sau khi cung nữ Thuần Phi bị bắt, bà chỉ dọa nạt chút xíu, mọi việc đã lộ ra tè le. Cuối cùng cô bị giáng làm Đáp ứng, giam vào lãnh cung, cuối cùng là bị Kế hậu sai người thắt nơ. Kết thúc cuộc đời tranh đấu 1 đời, cuối cùng chỉ là con rối nằm trong tay Kế hậu mặc sức chơi đùa.

Thuận Tần

Nhân vật này lấy cảm hứng từ Hương Phi trong lịch sử, nhưng nhào nặn nhiều quá nên không để tên thật, mà lấy 1 tên khác cho nhân vật này, vì vậy mọi thứ liên quan đến nhân vật này trong phim cũng khác nhiều. Qua bao nhiêu tập mới có nhân vật đáng gờm tranh sủng với AL, nhưng lại ra đi quá sớm. Thuận Tần được xem như chiến lợi phẩm sau khi Phó Hằng thắng trận, trong phim hơi bị dìm nhân vật này khi xây dựng cô giống như món hàng chính trị, có sắc đẹp, được đào tạo bài bản để lấy lòng nam nhân, đã qua tay không biết bao nhiêu người đàn ông, đã có con rồi mà vẫn nhập cung được. Khi cô bước vào hậu cung, tất cả mọi ân sủng chỉ xoay quanh cô, vì vậy bị ghen ghét cũng là lẽ thường.

Ngay từ đầu, AL đã nằm trong tầm ngắm của Thuận Tần, không phải vì loại bỏ chướng ngại trong hậu cung, mà vì cô biết AL là người mà cả Càn Long và Phó Hằng yêu thật lòng, cô muốn cả 2 người này phải đau khổ nên chơi AL thôi. Đạo diễn xây dựng tính cách nhân vật này mạnh mẽ, cuộc đời trắc trở, truân chuyên quá, mình thấy có điểm chua xót cho nhân vật này, mưu kế do cổ bày ra cũng tầng tầng lớp lớp, cũng khổ nhục kế này nọ. Vấn đề là đầu voi đuôi chuột, cuối cùng bị AL phá quá đơn giản, giống hết ý tưởng vậy. Mặc dù nhân vật này là một trong những nhân vật khiến AL phải chịu khổ sở không ít và ăn “hành” nhiều.

Đây là một trong những bộ phim dài hơi nhất tụi mình từng coi. Vì quá thích thú nên muốn ghi chú lại một chút, đồng thời chia sẻ với những bạn nào đã/ chưa coi. Sẽ cố gắng hoàn thành xong phần 2 sớm.

Usagi

*Ảnh từ internet