Vào lúc mới lên ngôi, Thượng Vương Thái Tổ (Taejo) đã từ chối đưa ngọc tỷ truyền quốc cho Thái Tông (Taejong), vì cựu vương vẫn còn rất tức giận về hành động của ông và cho rằng ông không phải là một vị vua hợp pháp. Thái Tông (Taejong) không bận tâm lắm đến điều đó mà bắt tay vào thực hiện các chính sách cho quốc gia để chứng minh tài năng quản lý của mình.

Một phiên bản khác về chân dung vua Thái Tông (Taejong) (không chính thức)

Các chính sách được thực thi sau khi lên ngôi:

1.Xóa bỏ đặc quyền của quan lại và quý tộc:

Một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách nhà vua là xóa bỏ triệt để hoàn toàn các đặc quyền của các quan lại cao cấp trong chính quyền và tầng lớp quý tộc dùng để duy trì tư binh của họ. Kết quả: đã cắt đứt khả năng nổi dậy của các phe phái trên, đồng thời gia tăng đáng kể số lượng binh lính cho quốc gia.

2.Chính sách ruộng đất:

Chính sách tiếp theo của ông là sửa đổi luật pháp hiện hành về việc đánh thuế đất đai và cho đo đạc thống kê lại tình trạng đất đai hiện tại. Do đó, phát hiện ra rất nhiều trường hợp có đất nhưng không khai báo, không nộp thuế. Kết quả: tổng thu nhập quốc dân tăng gấp đôi.

3.Quản lý nhân khẩu

Thái Tông Đại vương (King Taejong) cũng khởi xướng hệ thống hopae, một hình thức sơ khai dùng để nhận dạng tên và nơi cư trú của người mang nó, được sử dụng để kiểm soát việc di chuyển của người dân. Nôm na là giống hộ khẩu của mình đó các bạn. Ông cũng cho đặt một cái trống lớn trước cổng cung điện để bất kỳ một người dân thường nào khi gặp vấn đề không thỏa đáng có thể đến và hỏi ý kiến nhà vua.

4.Xóa bỏ bộ máy quản lý cũ, thiết lập bộ máy mới:

Ông đã tạo nên một chế độ trung ương tập quyền vững mạnh cũng như một chế độ quân chủ tuyệt đối. Năm 1399, ngay trước khi lên ngôi ông đã đóng một vai trò lớn trong việc loại bỏ Hội đồng Dopyeong, một hội đồng của chính quyền cũ nắm giữ toàn bộ quyền lực của triều đại Cao Ly (Goryeo), ủng hộ việc thành lập Nghị Chánh Phủ (Uijeongbu). Đây là một cơ quan được lãnh đạo bởi 3 viên quan cấp cao gồm Lãnh Nghị Chánh (Yeonguijeong), Tả Nghị Chánh (Jwauijeong), Hữu Nghị Chánh (Uuijeong).

Khi mới thành lập nhà Triều Tiên (Joseon), Hội đồng này được gọi là Hội đồng Cơ mật, bị chi phối bởi Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) và các viên quan chủ chốt khác có công kiến lập vương triều. Ba vị nghị viên trong hội đồng này được ủy thác để cân nhắc các vấn đề chính của quốc gia, cố vấn cho nhà vua và truyền đạt lại ý chỉ của nhà vua cho 6 vị thượng thư. Nghị Chánh Phủ (Uijeongbu) mất dần tầm ảnh hưởng và vai trò của mình theo thời gian 500 năm cai trị của nhà Triều Tiên (Joseon). Năm 1907, do sự can thiệp của Nhật Bản, nó được đổi thành Nội các chính phủ.

Thực chất, Nghị Chánh Phủ (Uijeongbu) chỉ xoay quanh nhà vua và các sắc lệnh của ông. Sau khi cải cách thông qua luật thuế mới, Vua Thái Tông (Taejong) tiếp tục ra một chỉ dụ rằng: tất cả các quyết định được thông qua bởi Nghị Chánh Phủ (Uijeongbu) chỉ có thể có hiệu lực với sự chấp thuận của nhà vua. Điều này đã chấm dứt việc các quan lại tự đưa ra quyết định qua tranh luận và đàm phán với nhau, đưa vương quyền của nhà vua lên một tầm cao mới. Nhà vua cũng cho thành lập một ty gọi là Sinmun, để lắng nghe ý kiến của người dân trong trường hợp họ bị quan lại hay quý tộc bóc lột hoặc bị đối xử bất công.

Tuy nhiên, Thái Tông (Taejong) vẫn giữ nguyên những cải cách của Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon). Ông cho đề cao Nho giáo, vốn giống như một triết học về chính trị hơn là tôn giáo, qua đó hạ bệ Phật giáo, vốn xa rời khỏi cuộc sống thực tiễn hàng ngày và càng lúc suy đồi do các vị vua tiền triều Cao Ly (Goryeo) đưa ra. Nhà vua cho đóng cửa nhiều đền chùa được lập nên bởi các vua nhà Cao Ly (Goryeo), tịch thu tài sản của họ và sung vào quốc khố.

Có một chi tiết khá khôi hài là Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) và Trịnh Mộng Chu (Jeong Mong Ju), 2 nhà nho nổi tiếng kiệt xuất thời đó đều do chính Thái Tông (Taejong) “tiễn lên bàn thờ ngắm gà” nhưng nhà vua lại vinh danh tên tuổi của Trịnh Mộng Chu (Jeong Mong Ju) như là một vị tể tướng tài ba trung thành, còn Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) thì bị phỉ báng trong suốt thời gian tồn tại của nhà Triều Tiên (Joseon). Việc này còn nghịch lý ở chỗ là Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) là tể tướng lập quốc của nhà Triều Tiên (Joseon), trong khi Trịnh Mộng Chu (Jeong Mong Ju) là người trung thành tuyệt đối với nhà Cao Ly (Goryeo) đến cùng, và là người phản đối việc thành lập nhà Triều Tiên (Joseon).

Ngoài ra, vua Thái Tông (Taejong) còn cho thành lập Nghĩa Cấm Phủ (Uigeumbu), cơ quan chuyên trách bảo vệ vương thất và lực lượng cảnh sát bí mật.

5.Chính sách đối ngoại

Vua Thái Tông (Taejong) được xem là một người cứng rắn. Ông tiến hành các cuộc tấn công vào người Nữ Chân (Jurchen) ở biên giới phía bắc và Oa khấu (cướp biển Nhật Bản) ở bờ biển phía Nam. Ông cũng là người lãnh đạo chính trong cuộc tiến đánh đảo Đối Mã (Tsushima) năm 1419 với Nhật Bản, lúc này ông không còn là Quốc vương mà đã thoái vị làm Thượng vương nhưng vẫn nắm quyền lực chính trong triều đình. Trong cuộc chiến ở đảo Đối Mã (Tsushima) này, cả 2 phe Nhật Bản và Triều Tiên (Joseon) đều tuyên bố chiến thắng. Thực hư ra sao mình chưa tìm hiểu kỹ hơn, bạn nào rõ thì comment góp ý giúp mình.

Giai đoạn làm Thượng Vương:

Năm 1418, Thái Tông (Taejong) thoái vị lên làm Thượng vương, trao ngai vàng lại cho con trai thứ 3 của mình là Trung Ninh Đại quân Lý Tạo (Chung Nyeong Daegun Lee Do). Đó chính là vua Triều Tiên Thế Tông (King Sejong of Joseon), vị vua được xem là anh minh, tài giỏi nhứt trong lịch sử Triều Tiên/ Hàn Quốc, hay thường được gọi là vua Thế Tông vĩ đại (King Sejong the Great).

Bạn nào đã đi Hàn Quốc rồi sẽ thấy chân dung vị vua này được in trên tờ 10000 won:

và từ cổng chính của Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung) ở Seoul đi ra sẽ thấy bức tượng lớn của ông đặt ở cách đó không xa. Còn chi tiết về vị vua này thì hẹn các bạn ở bài viết khác.

Tuy đã thoái vị nhưng thực tế Thượng vương vẫn tiếp tục cai trị bằng bàn tay sắt cứng rắn. Thái Tông (Taejong) đã cho xử tử và lưu đày rất nhiều người bao gồm cả chống đối lẫn ủng hộ ông nhằm bảo vệ vương quyền cho vương thất. Ngoài những người mình đã kể ra ở trên, nhằm hạn chế quyền lực của ngoại thích, ông đã cho xử tử Lãnh nghị chánh Thẩm Ôn (Shim On), cha đẻ của Chiêu Hiến Vương hậu Thẩm thị (Queen Soheon of Shim clan) , cũng là nhạc phụ của vua Thế Tông (Sejong) cùng toàn bộ gia đình họ Thẩm (Shim). Đó là với nhà vợ của con trai mình, còn đối với dòng họ của vợ mình, ông cũng tàn nhẫn không kém.

Nguyên Kính Vương hậu (Queen Wongyeong):

Người vợ chính thất của ông: Nguyên Kính Vương hậu Mẫn thị (Queen Wongyeong of Min clan). Bà là người vợ được gả cho ông từ khi cả hai còn trẻ, xuất thân từ gia tộc danh giá Mẫn thị ở Ly Hưng (Yeoheung of Min clan). Đây là một gia tộc được xem là danh giá bậc nhứt trong lịch sử Triều Tiên (Joseon), theo như mình tìm hiểu thì xuất phát của gia tộc này là một trong số những người học trò giỏi của Khổng Tử, ở một đất nước trọng Nho giáo như Triều Tiên (Joseon) thì việc dòng họ này được vinh danh là điều hiển nhiên. Mà ngay cả khi đang là học trò của Khổng Tử thì gia tộc này đã danh giá sẵn rồi, nên kéo dài đến thời này lại càng được tôn sùng hơn nữa, chắc chỉ thua mỗi tông thất họ Lý (Lee/Yi) của nhà vua.

Diễn viên thể hiện vai Nguyên Kinh Vương hậu trong “Six Flying Dragons”

Theo sử sách ghi lại, Nguyên Kính Vương hậu (Queen Wongyeong) có tính hay ghen, đối với việc Thái Tông (Taejong) nạp thiếp vô cùng kịch liệt phản đối. Năm thứ 2 trị vì, Thái Tông (Taejong) muốn nạp thêm thiếp vào hậu cung, Vương hậu đã khóc lóc để ngăn cản nhưng Thánh ý đã quyết. Sau đó, Vương hậu điên cuồng có những hành vi áp bức hậu cung tần ngự, thậm chí từng hãm hại cả Vương tử. Vụ án làm dấy động triều đình, gia tộc của Vương hậu có bốn người bị liên quan và xử tử.

Bản thân bà cùng gia tộc của mình đã đi theo, ủng hộ về mặt vật chất lẫn chính trị cho Thái Tông (Taejong) từ những ngày hàn vi đến khi lật đổ nhà Cao Ly (Goryeo), cũng như ủng hộ cho riêng ông trong cả 2 cuộc xung đột giữa các Vương tử từ tài chánh đến vũ khí, quân lính. Việc sau khi lên ngôi ông cho xử tử gia tộc chính thê của mình nghe thì có vẻ tàn nhẫn nhưng làm vua là vậy. Các bạn đọc bài Triều Tiên Túc Tông chắc cũng sẽ biết vì vương quyền nhà vua sẽ vô tình ra sao huống chi đây còn là vị vua đầu triều lập quốc, sao có thể nhân từ, trọng tình nghĩa được.

Vì không thuận theo ý của Thái Tông (Taejong), Vương hậu và Quốc vương thường xảy ra tranh chấp, cãi vã. Thái Tông (Taejong) phiền não tột độ, dần xa lánh Vương hậu, thậm chí trong thời gian cuối còn có ý định phế truất Vương hậu. Thế nhưng, niệm tình phu thê nhiều năm và công lao của Vương hậu sinh dưỡng các Vương tử Vương nữ, Thái Tông bèn thôi ý định đó.

Theo luật lệ của Triều Tiên, nếu Vương phi phạm vào tội ghen tuông thì có thể phế được (như Nhân Hiển Vương Hậu…) và ngoài ra mưu hại Vương tử cũng là một trọng tội còn nặng hơn. Ở đây Nguyên Kính Vương hậu (Queen Wongyeong) đã phạm cả 2 tội trên nhưng khi triều thần dâng sớ đòi phế Trung điện, nhà vua vẫn đứng ra bảo vệ bà trước triều đình. Có lẽ ông cũng còn chút tình nghĩa với người vợ tào khang của mình, bà sinh cho ông tận 8 người con gồm 4 Vương tử và 4 Vương nữ, đối với vua Triều Tiên như vậy là một con số lớn, cũng như nuôi dạy các con rất tốt. Năm 1418, Thái Tông Đại vương (King Taejong) trở thành Thượng vương, bà được tôn làm Vương Đại phi. Năm 1420, năm Triều Tiên Thế Tông thứ 2, ngày 10 tháng 7, Vương Đại phi qua đời ở biệt điện, hưởng dương 56 tuổi.

Đôi điều về gia tộc Mẫn Thị ở Ly Hưng (Yeoheung Min clan):

Trong suốt lịch sử 518 năm của vương triều Triều Tiên Lý thị thì gia tộc này có 3 người con gái ngồi vào vị trí Trung điện:

  • Nguyên Kính Vương hậu (Queen Wongyeong) vợ vua Thái Tông (Taejong)
  • Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) vợ vua Túc Tông (Sukjong)
  • Minh Thành Hoàng hậu (Empress Myeongseong) vợ vua Cao Tông (Gojong)

Điểm chung của 3 vị Vương hậu của gia tộc Mẫn thị ở Ly Hưng (Yeoheung Min clan) này là đều có số phận rất bất hạnh:

  • Nguyên Kính Vương hậu (Queen Wongyeong) thì mình đã nói ở trên.
  • Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) thì bị phế truất tịch biên gia sản, tan cửa nát nhà sau được phục vị lại bịnh mất sớm không có con với nhà vua (tham khảo chi tiết tại đây).
  • Minh Thành Hoàng hậu (Empress Myeongseong) là Vương hậu cuối cùng của nhà Triều Tiên thời kỳ vương quốc. Tuy được gọi là Hoàng hậu do chồng bà là vua Cao Tông (Gojong) sau này xưng là Hoàng Đế nhưng thực tế khi sống bà vẫn chỉ là Vương phi. Bà xem ra số phận còn thê thảm hơn 2 người tổ tiên của mình: bà bị Nhật Bản tổ chức mưu sát do bà có tài năng lãnh đạo giỏi nên là cái gai trong mắt người Nhật. Khi dùng kiếm chém chết bà xong, các sát thủ cho băm xác bà ra rồi đem thiêu, chôn tro ở một góc trong Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung). Các bạn đi du lịch ở cung này sẽ thấy vị trí đó nằm ở hướng Bắc của cung.

Xem ra gia tộc Mẫn thị ở Ly Hưng (Yeoheung Min clan) danh giá này được mọi người tôn sùng, đạt được vinh hiển nhưng số phận lại bất hạnh. Cứ như một lời nguyền dành cho dòng họ này nhỉ!

Các công trình kiến trúc nổi tiếng liên quan:

1. Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung):

Ở trên mình có nói qua Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung) là do tể tướng khai quốc công thần Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) thiết kế và xây dựng năm 1395. Đây là cung điện lớn nhứt trong số 5 cung điện ở Seoul, cũng là cung điện chính của vương triều Triều Tiên (Joseon).

Một phần của Cảnh Phúc Cung (Gyeongbokgung)

Trong cuộc chiến tranh Nhâm Thìn biến loạn (Imjinwaeran) năm 1592 khi Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên, tất cả các lầu gác trong Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung) đều bị phá hủy hoàn toàn. Qua suốt 273 năm, đây chỉ còn là nơi hoang phế, không còn gì cả. Triều đình phải dùng Xương Đức cung (Changdeokgung) trong suốt gần ba thế kỷ từ thời vua thứ 15 của nhà Triều Tiên (Joseon) là Gwanghaegun (Quang Hải quân) cho đến khi Cảnh Phúc cung được xây lại vào năm 1868 khi vua Cao Tông (Gojong) lên ngôi, cha của vua là Hưng Tuyên Đại Viện Quân (Heungseon Daewongun) chủ trương tăng cường quyền lực vào tay nhà vua nên mới cho xây dựng lại điện các tại đây để củng cố vương quyền.

Chân dung Hưng Tuyên Đại viện quân (Heungseon Daewongun)

Qua đến thời Nhật thuộc (1910- 1945), nhiều cung điện bên trong đều hư hại, không còn nguyên hình dáng của ngày xưa. Đến năm 1995, chính phủ Đại Hàn Dân Quốc mới cho phục dựng lại nên Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung) ngày nay mà các bạn tham quan thực ra chỉ là phục dựng thôi chứ không phải cung gốc vốn có.

2. Xương Đức Cung (Changdeokgung):

Xương Đức cung (Changdeokgung) được vua Triều Tiên Thái Tông (King Taejong of Joseon) cho xây dựng năm 1404 là cung điện duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi đây là công trình phản ánh các giá trị kiến trúc tinh tế, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, phù hợp với địa hình. Đặc biệt, Biwon (Bí Uyển), hậu viên của Xương Đức cung (Changdeokgung) là nơi duy nhất giữ được nguyên vẹn những đặc điểm điển hình của khu vườn truyền thống Hàn Quốc.

Mặc dù Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung) trên thực tế lớn hơn, nhưng Xương Đức cung (Changdeokgung) là một nơi yêu thích của các vị vua vì nó được thiết kế và xây dựng theo thông số kỹ thuật Hàn Quốc được lưu truyền từ thời Tam Quốc (lịch sử Hàn Quốc), do đó còn giữ lại được nhiều truyền thống độc đáo của Hàn Quốc. Sau khi Nhật chiếm đóng từ năm 1910, các khu đất đai vườn tược của cung điện đã được sắp xếp lại, một số bị phá hủy, và thậm chí một số công trình kiến trúc được đưa sang Nhật Bản, cung điện cũng chỉ còn lại 30% các công trình, thiệt hại ít hơn Cảnh Phúc cung (Gyeongbokgung) gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Cuối cùng đến khi mất nước thì cả 2 cung đều bị tàn phá nặng nề, tuy nhiên 2 cung điện nổi tiếng nhất Hàn Quốc trên đã cho thấy sự tài giỏi của 2 người từng một thời là thầy trò rồi đối thủ của nhau: Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) và Lý Phương Viễn (Lee Bang Won).

3. Thanh Khê Xuyên (Cheonggyecheon):

Kể từ sau khi triều đại Joseon được thành lập vào năm 1392, Hanyang (Hán Dương – tên gọi cũ của Seoul) đã được chọn làm kinh đô. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình được bao quanh bởi các dãy núi, nên mỗi khi có mưa lớn, nước mưa sẽ chảy về phía Đông của Seoul là khu vực tương đối thấp, từ đó gây ra ngập lụt. Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 1406, vua Taejong (Thái Tông) đã đưa ra những biện pháp tích cực nhằm nắn chỉnh dòng chảy này

Ngày 10 tháng 5 năm 1422, Thượng Vương thăng hà ở Xương Kháng cung (Changgyeonggung) tại kinh đô Hán Dương (Hanyang), kết thúc 18 năm làm Quốc Vương (1400-1418) và 4 năm làm Thượng Vương (1418 -1422). Thái Tông (Taejong) vẫn là một nhân vật gây tranh cãi, đã giết chết nhiều đối thủ của ông, bao gồm 2 nhà Nho nổi tiếng Trịnh Mộng Chu (Jeong Mong Ju) và Trịnh Đạo Truyền (Jeong Do Jeon) và cả những người anh em mình để giành quyền lực nhưng ông đã cai trị cực kỳ hiệu quả để cải thiện cuộc sống của người dân, củng cố nền tảng vững chắc về xã hội, ngoại giao, vương quyền cho sự kế thừa của Thế Tông (Sejong) để phát triển Triều Tiên (Joseon) cực thịnh ở thời này.

Chân dung Vua Thái Tông (Taejong) (ở giữa) được người Hàn dựng lại từ chân dung Vua Thái Tổ (Taejo) (bên trái) và Vua Thế Tông (Sejong) (bên phải)

Kuma

*Bài viết có sử dụng và tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn:

  • Bài viết “Chính sách Sự Đại, Sự phản ánh hiểu biết của Triều Tiên về quan hệ Minh – Đại Việt đầu thế kỷ XV” của tác giả Nguyễn Nhật Linh
  • Sách Ngàn Năm Áo Mũ của tác giả Trần Quang Đức.
  • Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh…

**Ảnh từ internet


34,800 thoughts on “[Góc Tổng Hợp] Vua Triều Tiên Thái Tông (P2)

Leave a Reply

Your email address will not be published.