Đây đúng là nhân vật dài hơi đầu tiên mà tụi mình tổng hợp và viết bài. Đến đây đã là phần cuối của bài này rồi. Hi vọng các bạn theo dõi đến cuối và có được những thông tin bổ ích.

Ngay cả khi đã đẩy Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) từ vị trí Trung điện xuống vị trí Hy tần (Hui bin), ông vẫn không dừng lại mà tiếp tục ép bà đến tuyệt lộ -> ban độc dược cho bà -> Việc để lại tước vị Hy tần (Hui bin) mà không phế thành thứ dân, không phải vì ông còn yêu thương gì, mà chỉ vì bảo toàn địa vị cho Thế tử mà thôi. Việc ban độc dược được tiến hành ngay khi tang lễ Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) vẫn đang diễn ra.

*Luật của nước Triều Tiên (Joseon) là trong khi quốc tang đang diễn ra sẽ ân xá và không giết tội nhân (tránh sát sinh).

Ở Triều Tiên trước giờ, nhiều tội danh nặng nề vẫn có thể được nhà vua ân xá và có thể chỉ phải bị lưu đày. Nhưng tại sao Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) vẫn bị nhà vua ban chết bằng độc dược, mà còn phải giết gấp gáp như vậy? Đơn giản là vì lúc này ông đã cạn tình và cũng vì con trai cô, Thế tử Lý Quân (Lee Yoon), nên vua Túc Tông (Sukjong) phải giết cô để sau này khi con trai mình lên ngôi, cô không thể quay lại ảnh hưởng tới nhà vua tương lai nữa. Cũng vì chính con trai cô mà cô bị ban chết nhưng vẫn giữ lại tước vị để bảo đảm địa vị cho Thế tử Lý Quân (Lee Yoon). Nói là vì con nhưng thực ra đối với vua Túc Tông (Sukjong), đó vẫn là vì vương quyền. Không là vương quyền cho bản thân ông thì cũng là vương quyền cho con trai, cho dòng họ Lý (Lee). Chính vì vương quyền nên ông không ngần ngại ban độc dược cho người vợ đầu ấp tay gối và yêu mình say đắm. Nhiều người nói rằng ông máu lạnh vô tình, nhưng biết sao được. Bởi lẽ ông không những là một người chồng mà còn là một vị vua gánh vác giang sơn xã tắc trên vai. Và ông phải chọn con đường mà một vị vua phải làm: đoạt lấy và giữ chặt vương quyền cho bản thân, cho dòng họ.

Sau khi Trương Hy tần (Jang Hui bin) bị ban chết và Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan) qua đời, một khoảng trống ở Nội mệnh phụ của Triều Tiên (Joseon) được để lại. Ai sẽ là người ngồi vào vị trí Trung điện, sẽ là quốc mẫu? Chính trị và hậu cung một lần nữa lại liên hệ mật thiết với nhau. Lúc này phái Nam Nhân (Nam In) đã hoàn toàn bị tiêu diệt và không thể phục hồi lại được nữa, phái Tây Nhân đã chia ra làm 2 phái: Thiếu Luận (Soron) và Lão Luận (Noron). Phái Thiếu Luận (Soron) ủng hộ Vương Thế tử Lý Quân (Lee Yoon) con của Trương Hy tần (Jang Hui bin) thừa kế ngai vàng trong khi phái Lão Luận (Noron) lại ủng hộ Diên Nhưng quân Lý Khâm (Yeoning gun Lee Geum) con của Thôi Thục tần (Choi Suk bin). Họ lo lắng nếu sau này vương vị rơi vào tay Thế tử thì sẽ có cuộc thanh trừng trả thù những người liên quan (như Yên Sơn quân), gây bất lợi cho bản thân phái Lão Luận (Noron). Bởi thế, họ ra sức đưa Thôi Thục tần (Choi Suk bin) lên làm Vương phi. Bản thân cô có lẽ cũng đang rất ham muốn ngồi vào vị trí này sau khi các đối thủ đã qua đời.

Tuy nhiên, có lẽ rút kinh nghiệm từ Trương Hy tần (Jang Hui bin) khi mà vị trí Trung điện được một đảng phái ủng hộ, bản thân đảng phái đó mặc sức lũng đoạn triều chính ảnh hưởng đến vương quyền của nhà vua nên ông đã có một quyết định gây bất ngờ cho tất cả. Năm 1702, vua Túc Tông (Sukjong) đã đáp lại bằng việc tấn phong tiểu thư Kim thị người ở Khánh Châu, làm Vương phi. Đó là Nhân Nguyên Vương hậu Kim thị (Queen Inwon of Kim clan). Cô là Vương phi thứ 3 của ông, là thứ 4 nếu tính cả Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) đã bị phế. Đồng thời, Túc Tông (Sukjong) đã hạ giáo chỉ: hậu cung không được trở thành Vương phi. Việc này áp dụng cho cả các đời Vua sau, nhằm ngăn chặn âm mưu đoạt ngôi Trung điện của các Hậu cung. Một nước cờ lão luyện của một nhà chính trị lọc lõi. Không những không cho Thôi Thục tần (Choi Suk bin) đạt được điều mà cô mong muốn từ lâu, mà ông còn chặn đường tiến của cô về sau, chẳng may khi ông không còn nữa. Qua đây ta có thể thấy được: đây chính là tình yêu của bậc quân vương.

Tuy nhiên, khác với những người phụ nữ trước của vua Túc Tông, Thôi Thục tần (Choi Suk bin) chứng tỏ cô cũng là một nhà chính trị lão luyện không kém. Tự nhận thấy bản thân đã có tuổi, sự sủng ái của nhà vua dành cho mình cũng ngày một ít đi, cô đã chủ động buông tay anh trước, biết nhận những gì có thể nhận được và trở thành người chiến thắng sau cùng thể hiện qua một chuỗi sự kiện sau: Cô chủ động tạo mối quan hệ liên kết với Vương phi mới. Có một sự kiện được ghi lại là Nhân Nguyên Vương hậu (Queen Inwon) bị bệnh đậu mùa nhưng lại được Thôi Thục tần (Choi Suk bin) giúp đỡ chữa khỏi -> Đây là chi tiết mình thắc mắc nhất. Vì sao?

  • Một cô gái bình thường không phải là thần y mà lại có thể chữa được căn bệnh được xem là nan y lúc bấy giờ, ngay cả bây giờ vẫn chưa có thuốc chữa (vaccine thì có).
  • Bản thân Vương phi đầu tiên của vua Túc Tông (Sukjong) là Nhân Kính Vương hậu (Queen Ingyeong) cũng mất vì bệnh này khi mới 18 tuổi.
  • Bạn nào coi phim Dae Jang Geum cũng thấy, Jang Geum cũng chật vật đến mức nào với bịnh này. Vẫn chưa có cách đám bảo tuyệt đối?

Lý giải cho điều này mình nghĩ chỉ có 2 giả thuyết:

  • Cô may mắn. Tỷ lệ này hơi thấp.
  • Lực lượng ủng hộ cô tìm được thần y trong dân gian và giúp cô.

Sau sự việc này, năm 1703, con trai của Thôi Thục tần (Choi Suk bin) là Diên Nhưng quân (Yeoning gun) được Vương phi họ Kim (Queen Kim) yêu mến và nhận làm dưỡng tử như đã làm trước đó với Vương Thế tử Lý Quân (Lee Yoon), điểm khác biệt là việc này do cô tự nguyện để trả ơn cho Thôi Thục tần (Choi Suk bin) còn trước kia là do vua Túc Tông (Sukjong) ban giáo chỉ. Một nước cờ rất hay của Thôi Thục tần (Choi Suk bin) nhằm đảm bảo địa vị cho con trai mình sau khi cô không thể trở thành Vương phi. Có lẽ ở xã hội Triều Tiên (Joseon) trọng giai cấp lúc bấy giờ, xuất thân quá thấp của cô đã khiến cô không thể vươn lên vị trí quốc mẫu được nhưng cô đã bằng cách khác đạt được những gì có thể có thể đạt.

Năm 1716, Thôi Thục tần (Choi Suk bin) lâm bệnh nặng, chuyển về sống tại tư gia Lê Hiện cung (Ihyeon Palace) mà Túc Tông (Sukjong) đã ban chuẩn cho bà. Đây vốn là cung điện mùa đông của vương thất, nơi mà vua Túc Tông (Sukjong) từng ở một thời gian lúc thơ ấu, nhưng sau này ông đã ban cho bà làm tư gia. Việc này có thể xem như sự đền bù của ông đối với cô về việc đã không để cô ngồi ở vị trí Trung điện. Và cô đã vui vẻ nhận nó mà không oán trách hay dỗi hờn gì với nhà vua.

Diên Nhưng quân (Yeoning gun) con trai của cô được mệnh danh là một thần đồng vào thời bấy giờ và nhà vua cũng rất tự hào về đứa con trai này của mình. Ông thường ban thưởng rất hậu cho cậu và khi cậu thành hôn, lễ cưới đã được tổ chức cực kỳ xa hoa (ngang ngửa với hôn lễ của Thế tử) dù các quan đại thần trong triều cực lực phản đối.

Năm 1718, Thôi Thục tần (Choi Suk bin) qua đời ở Lê Hiện cung (Ihyeon Palace) hưởng dương 48 tuổi. Cô mất nhưng trước đó đã dọn sẵn con đường cho Diên Nhưng quân (Yeoning gun): không oán trách nhà vua vì không phong mình làm Vương phi, vẫn được ông thương yêu và ban thưởng cho rất nhiều của cải tiền bạc, con trai được Nhân Nguyên Vương hậu (Queen Inhyeon ) nhận làm dưỡng tử, bảo đảm cho tính chính danh của cậu, bản thân cô khi sống đã hết lòng dạy dỗ cậu thành tài.

Đối với nhân vật này, ngay từ khi coi phim về bà dù là trong “Jang Ok Jung, Living by Love” hay “Dong Yi”, mình cảm nhận đây là 1 người phụ nữ thông minh, có nghị lực, một người biết vươn lên từ tầng lớp thấp trong xã hội, tranh đấu hậu cung tốt và biết phán đoán cục diện chính trị. Theo như tên hiệu bà được sắc phong, có vẻ như vẻ ngoài trong sáng, tỏa nắng của Han Hyo Joo miêu tả khá giống hình tượng bà trong lịch sử nhất. Mình đánh giá rất cao ở việc bà tình nguyện để con mình nhận Nhân Nguyên Vương Hậu (Queen In Won) làm mẫu phi, chấp nhận rời xa con, đảm bảo cho tương lai và tính chính danh của nó (khác hẳn Jang Ok Jeong).

Có thể nói trong số những người phụ nữ nổi bật trong cuộc đời Túc Tông (Sukjong), Thôi Thục tần (Choi Suk bin) là người ít yêu ông nhất, bà có vẻ toan tính nhiều hơn, biết cách chấp nhận thế nào là đủ để rút lui đúng lúc, biết cách buông tay ông, biết cách nhìn xa hơn. Có lẽ vì vậy nên bà là người nhận được nhiều hơn hết thảy những người khác.

Cuộc đời đôi khi bất công và nghiệt ngã như vậy. Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) thì không được sủng ái, bị đi lưu đày, dù sau này được phục vị nhưng đến cuối cùng vẫn không có được một mụn con với nhà vua. Trương Hy tần (Jang Hui bin) thì tưởng có được tất cả từ tình yêu, địa vị, con cái thì cuối cùng lại là người mất hết tất cả.

Bên dưới là hình minh họa, cũng là hình vẽ do mọi người phỏng đoán về Thôi Thục Tần (Choi Suk Bin) do mình lượm lặt trên mạng. Các bạn tham khảo nhé.

Năm 1718, Túc Tông (Sukjong) lâm bệnh, ông ban chỉ cho phép Vương Thế tử Lý Quân (Lee Yoon) thay mình xử lý các vấn đề chính sự của đất nước. Năm 1720, sau một thời gian dài nằm liệt giường nhà vua qua đời, hưởng thọ 60 tuổi, kết thúc 46 năm trị vì đất nước đầy sóng gió trong giới thượng tần đất nước. Do Vương thế tử Lý Quân (Lee Yoon) từ nhỏ đã được phát hiện bệnh vô sinh do biến chứng của quai bị nên để tránh cuộc tranh ngai vị sau khi mình qua đời, vua Túc Tông (Sukjong) đã lập di huấn truyền ngai cho Vương thế tử Lý Quân (Lee Yoon), đồng thời có nguồn cũng nêu nếu Lý Quân (Lee Yoon) không hạ sinh Vương tử thì vương vị sau khi khi Lý Quân (Lee Yoon) qua đời sẽ truyền lại cho Vương đệ Lý Khâm (Lee Geum), sau này chính là vua Triều Tiên Anh Tổ (King Yeongjo of Joseon), nhưng không có người ghi chép lại để làm bằng chứng -> Một vị vua lão luyện như Túc Tông (Sukjong) mà một việc hệ trọng như vậy lại không để lại ghi chép. Lý do vì sao như vậy có lẽ vẫn là một bí ẩn. Điều này dẫn tới một cuộc thanh trừng một loạt các nhà lãnh đạo phái Lão luận (Noron).

Vậy là cuộc đời của một trong những nhà Vua vĩ đại của Triều Tiên đã kết thúc. Đối với nhân vật, trong các phim mình đã từng coi, Yoo Ah In cũng có nét, có lẽ hợp với ông lúc trẻ, một vị vua văn võ song toàn, có tài hùng biện, làm chính trị giỏi. Nhưng về già có lẽ Choi Min Soo gây cho mình nhiều cảm xúc nhất, đúng nghĩa “một quái vật ngàn mắt ngàn tai”, nắm tất cả mọi thông tin quanh mình, có sức ép với quần thần và khiến họ nể sợ. 

Vua Túc Tông (Sukjong) chính là một trong số những nhà vua giết nhiều người nhất trong triều đại của mình trong lịch sử Hàn Quốc. Nhưng giết nhiều người như vậy để nắm vững vương quyền thì đã sao, ông thậm chí còn giết cả người vợ yêu mình tha thiết cơ mà. Ông là một trong số những vị vua có vương quyền cao nhất của Vương triều Triều Tiên (Joseon), nhưng cũng là một đấng quân vương cực kỳ tàn nhẫn. Ông có thể sủng ái, thậm chí có thể yêu một người phụ nữ nào đó. Nhưng khi vương quyền bị ảnh hưởng, ông không ngần ngại âm thầm mưu tính kế hoạch để loại trừ người phụ nữ đó. 

Trong 3 người phụ nữ nổi tiếng đã từng đi ngang đời ông, có lẽ mỗi người đều mang lại cho ông 1 cảm xúc khác nhau:

  • Nhân Hiển Vương hậu (Queen In Hyeon): người xứng đáng và làm tốt vai trò Trung điện nhất. Đối với người này, đúng kiểu hôn nhân chính trị hồi xưa, không có tình cảm, có sự tín nhiệm, có sự hối hận và cuối cùng là thương hại.
  • Trương Hy Tần (Jang Hui bin): có yêu, có sủng, đoạn thời gian đó có lẽ cũng có tình cảm thật. Nhưng khi bà đã qua thời xuân sắc, khi trong hậu cung xuất hiện những bông hoa tươi mới khác, trên hết là khi có sự xung đột với vương quyền, ông lập tức ra tay không hề do dự. 
  • Thôi Thục Tần (Choi Suk bin): người ông sủng nhất. Thục tần thừa hưởng rất nhiều quà tặng như dinh thự, tư gia hay cung điện từ ông. Nhưng rút kinh nghiệm từ Hy Tần (Hui bin) lần này ông sủng nhưng luôn giữ cái đầu lạnh. 
Hình minh họa về 3 người phụ nữ nổi tiếng trong đời Vua Túc Tông (Sukjong): Hui Bin – In Hyun – Suk Bin (từ trái qua)

Vương Thế tử Lý Quân (Lee Yoon) sau này lên làm vua chính là vua Triều Tiên Cảnh Tông (King Gyeongjong of Joseon) cai trị chỉ trong vòng 4 năm. Cậu lên làm vua trong tâm trạng oán trách vua cha về cái chết của mẹ mình và mọi người xung quanh vì cho rằng họ đã hãm hại mẹ cậu. Việc cho cậu lên ngôi có lẽ là chút tình nghĩa cuối cùng của vua Túc Tông (Sukjong) với Trương Hy tần (Jang Hui bin) mẹ cậu. Cảnh Tông (Gyeongjong) bị đánh giá là một trong những vị vua nhu nhược, bất tài nhất của Vương Triều Triều Tiên (Joseon). Trong 4 năm ở ngôi, cậu cai trị chỉ trong 1 năm và thời gian còn lại cậu nằm trên giường bệnh, phải giao quyền nhiếp chính cho người em trai cùng cha khác mẹ Diên Nhưng quân (Yeoning gun). Vào lúc này, Diên Nhưng quân (Yeonging gun) đã được lập làm Vương Thế đệ vì Cảnh Tông (Gyeongjong) không thể có con. Cảnh Tông đại vương (King Gyeongjong) lên ngôi khi cậu đã 32 tuổi. Dưới sự phò tá của các đại thần phái Thiếu Luận (Soron) mà tiền thân là tàn dư phái Nam Nhân (Nam In) và một bộ phận phái Tây Nhân (Seo In) khác. Nhờ có công đưa Cảnh Tông (Gyeongjong) lên ngôi, các triều thần phái Thiếu Luận (Soron) gây bè kết cánh, lũng đoạn triều chính.

Tới khúc này, có thể nói vua Túc Tông (King Sukjong) là người rất thương yêu và lo lắng cho các con mình. Việc ông để Thế tử Lý Quân (Lee Yoon) lên ngôi vua bất chấp bệnh tình, bất chấp tài năng của cậu không bằng người em trai, có thể xoay quanh vài lý do: 1. Tình nghĩa với Hy tần (Hui bin), 2. Đây là cách ổn thỏa nhất để Lý Quân (Lee Yoon) sống yên ổn, 3. Trong 2 năm cuối đời khi không còn sức khỏe, ông thấy được cách Lý Quân (Lee Yoon) xử lý việc triều chính cũng ổn thỏa nên yên tâm.

Tới đây xin khép lại về cuộc đời của Vua Triều Tiên Túc Tông (King Sukjong). Bạn nào có những ý kiến khác, có thể comment bên dưới để cùng thảo luận.   Hi vọng các bạn thích bài viết trên.  

Kuma