Đây là phần 2 về góc tổng hợp, cảm nhận nhân vật vua Túc Tông (Sukjong) trong lịch sử và qua phim ảnh. Từ phần này các bạn sẽ chứng kiến sự ra đi lần lượt của các bóng hồng, qua đó mình xin có vài cảm nhận về những nhân vật này từ lịch sử (mà mình đã đọc) và qua những bộ phim. Mời mọi người đọc nhé.

Trở lại với sự kiện năm 1694, phái Nam Nhân (Nam In) đã lập một kế hoạch để tiếp tục thanh trừng phái Tây Nhân (Seo In), cáo buộc họ âm mưu phục vị cho Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min). Phái này bành trướng bức ép Túc Tông (Sukjong) loại bỏ hết các đại thần phái Tây nhân (Seo In) để chiếm quyền chính sự, lạm dụng quyền hành, tham ô, nhận hối lộ, vơ vét công quỹ khiến đời sống xã hội Triều Tiên (Joseon) khi đó đi xuống trầm trọng. Những điều này làm vua Túc Tông (Sukjong) bắt đầu lo lắng về sự lớn mạnh và lộng quyền của phái Nam Nhân (Nam In); lo sợ sự mất cân bằng trên chính trường làm suy giảm vương quyền, ông quay sang trợ giúp và tìm cách bảo vệ phái Tây Nhân (Seo In) để giữ thế cân bằng chính trị. Cũng trong thời gian này nhà vua sủng ái Thôi Thục viên (Choi Sukwon) – người ủng hộ Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min) và được phái Lão luận (Noron) ủng hộ.

Vào lúc này, có lẽ Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) không thể ngờ được người đàn ông từng đầu ấp tay gối với mình lại đang từng bước, từng bước một thực hiện kế hoạch loại trừ mình ra khỏi cuộc đời anh ta. Và… điều gì đến… cũng sẽ đến.

Giáp Tuất hoán cục năm 1694

Tức giận với việc làm của phái Nam Nhân (Nam In) khi muốn thanh lọc những người Tây Nhân (Seo In), Túc Tông (Sukjong) quay sang ủng hộ phái Tây Nhân (Seo In) và loại phái Nam Nhân (Nam In) ra khỏi Nội các. Phái Nam Nhân không bao giờ hồi phục lại được sau sự kiện này, được gọi là Giáp Tuất hoán cục. Dưới nỗ lực của phái Tây Nhân (Seo In) và Thôi thục viên (Choi Sukwon), Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan) được phục vị trở lại ngôi Trung điện. Túc Tông (Sukjong) ra chỉ giáng Vương phi họ Trương (Queen Jang) về chức Hy tần. Bản sắc phong và ngọc ấn của Trương thị khi được sách phong Vương phi bị thu hồi và phá hủy.

Trong cùng năm đó, Thôi Thục viên (Choi Sukwon) hạ sinh Vương tử Lý Khâm (Lee Geum) – là vua Triều Tiên Anh Tổ (King Yeongjo of Joseon) sau này. Khi ấy, Lý Khâm (Lee Geum) được phong tước Diên Nhưng quân (Yeoning gun), còn Thôi Thục viên (Choi Sukwon) tấn phong là Thôi Thục nghi (Choi Suk eui).

Năm 1695, vào dịp sinh nhật của Diên Nhưng quân (Yeoning gun), cô được phong lên hàng Quý nhân (Gwi in). Triều đình khi đó diễn ra một cuộc tranh luận lớn khi phái Thiếu Luận (Soron) ủng hộ Thế tử, còn phái Lão Luận (Noron) lại muốn phế Thế tử lập Diên Nhưng quân (Yeoning gun) làm người thừa kế ngai vàng. Năm 1698, Vương Thế tử Lý Quân (Lee Yoon) bị mắc bệnh quai bị, do không kiêng kỵ đúng nên dẫn tới biến chứng viêm và teo tinh hoàn, bị vô sinh.

Đến năm 1699, nhân dịp Triều Tiên Đoan Tông (Danjong of Joseon) được phục vị, Thôi Quý nhân (Choi Gwi in) lại được tấn phong lên làm Thục tần (Suk bin) ngang hàng với Hy tần (Hui bin) -> Tới khúc này thấy nó cứ sai sai thế nào ah. Một cái dịp không có liên quan gì, nhưng anh Vua muốn phong là phong, nói chung là anh đang sủng thôi mà. 

Thôi Thục tần (Choi Suk bin) lúc này có một thứ mà ngay cả một người được mệnh danh là đóa hoa tuyệt sắc nhứt lịch sử, biểu tượng sắc đẹp của Triều Tiên (Joseon) thời bấy giờ cũng không có được: chính là tuổi trẻ. Nhìn vào quá trình thăng tiến trong hậu cung của Thôi Thục tần (Choi Suk bin) có thể thấy lúc này nhà vua say đắm và sủng ái cô như thế nào. Mối tình với Trương Hy tần (Jang Hui bin) ngày nào có lẽ chỉ còn là quá khứ, giờ đây nhà vua đã cạn tình với cô.

Năm 1701, Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan) qua đời một cách đột ngột, hưởng dương 35 tuổi. Cái chết của cô đột ngột và không rõ nguyên do, có một số người cho rằng cô đã bị đầu độc, một số khác cho rằng cô đã bị Trương Hy tần (Jang Hui bin) dùng tà thuật trù yếm, có thuyết cho rằng do bị bệnh mãn tính từ những ngày bị lưu đày. Khi đó, phái Tây Nhân (Seo In) đã cáo buộc rằng Trương Hy tần (Jang Hui bin) cùng anh trai mình thuê một pháp sư trù ếm Vương hậu bằng một hình nhân bị găm mũi tên. Không chỉ có vậy, các cuộc điều tra còn khẳng định Trương Hy tần (Jang Hui bin) và anh trai Trương Hy Tái (Jang Hee Jae) đã thông đồng với nhà Thanh (Qing) khi tiết lộ nhiều tài liệu quân sự tối mật nhằm nhận được sự đồng thuận cho việc sắc phong Thế tử của Lý Quân (Lee Yoon).

Về nhân vật Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon), có tư liệu để lại về bức chân dung của bà. Mọi người cùng nhìn qua bức tranh bên dưới nha. Không biết mọi người cảm thấy thế nào, chứ với thẩm mỹ bây giờ mình vẫn thấy đây là 1 người đẹp. Nhân vật này đúng điển hình của kiểu người vừa đẹp người vừa đẹp nết, xuất thân cao quý, có học thức, nói chung là công dung ngôn hạnh có đủ (theo quan niệm VN mình). Khó trách sao mẹ vua Túc Tông (Sukjong) không hài lòng sao được. Nhưng dù là trong phim hay lịch sử số phận của bà cũng quá đáng thương. 

Cuộc đời bà có đủ các danh phận, nhưng đều hữu danh vô thực. Nhập cung làm chính phi khi mới 14 tuổi nhưng không được nhà vua sủng ái, lạnh nhạt, xa lánh, không có một mụn con với ông. -> Đoạn này mình phỏng đoán có thể bà hiếm muộn hoặc vô sinh. Đối với 1 người có tất cả mọi thứ như bà, thứ thiếu thốn duy nhất chắc chỉ có sự sủng ái của nhà vua và con cái. Tới khúc này cũng xem như là vốn dĩ con người ta có cái này thì phải mất cái kia vậy.

Sau này, vì từ chối lời đề nghị của nhà vua, nhận Lý Quân (Lee Yoon) làm con mà bà bị phế bỏ, bị đi lưu đày, gia đình tan nát, cha thì mất ở nơi lưu đày. Với một thiên kim tiểu thư xuất thân từ một dòng họ danh giá như bà, còn sự nhục nhã, đau khổ nào hơn nữa. Tất cả những tổn thương tinh thần đó cộng với cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn ở nơi lưu đày đã làm bà mang cả tâm bệnh và thân bệnh dẫn đến mất sớm khi mới có 35 tuổi. Cũng xem như là sự giải thoát cho bà khỏi một cuộc sống cô đơn hữu danh vô thực vậy. 

Cái chết của bà cũng được đem ra làm tin đồn bủa vây Trương Hy Tần (Jang Hui bin). Lại là lý do trù ếm -> Tao lạy!!! Có một cái cớ cứ đem ra quài.

Trước sức ép từ phái Tây Nhân (Seo In) và kết quả điều tra, Túc Tông (Sukjong) đã ban chết cho Trương Hy tần (Jang Hui bin) với tội danh phản quốc và mưu hại Quốc mẫu. Căn cứ sử sách ghi lại, Thôi Thục tần (Choi Suk bin) đã tố cáo với Túc Tông (Sukjong) rằng Trương Hy tần (Jang Hui bin) đã dùng thuật vu cổ để ám hại Vương phi Mẫn thị (Queen Min). Đến đây ta đã thấy Thôi Thục tần (Choi Suk bin) đã ra một đòn quyết định hiểm ác đối với Trương Hy tần (Jang Hui bin) như thế nào.

Có lẽ, Thế tử Lý Quân đã từng mắc bệnh đậu mùa và bị vô sinh nên thời gian đó Trương Hy tần (Jang Hui bin) hay lui đến Thần đường để cầu nguyện cho con. Trong một đất nước coi trọng Nho giáo như Triều Tiên (Joseon) thì việc lập Thần đường cầu nguyện làm phép được cho tội đại nghịch, phái Tây Nhân (Seo In) có thể dựa vào điều này để buộc tội bà là trù ếm Vương hậu. Năm 1701, Trương Hy tần (Jang Hui bin) bị xử tử bằng độc dược, hưởng dương 42 tuổi. Sau khi chết, cô vẫn được giữ nguyên tước hiệu Hy tần (Hui bin) chỉ nhằm đảm bảo địa vị của Thế tử Lý Quân (Lee Yoon), vì thế nên tang lễ của Trương Hy tần (Jang Hui bin) vẫn được tổ chức theo nghi thức Hậu cung tần ngự hàng Chính nhất phẩm theo pháp chế như bình thường.

Vậy là đóa hoa tuyệt sắc nhứt trong lịch sử 500 năm của Vương triều Triều Tiên (Joseon), đồng thời cũng là người yêu, là vợ vua Túc Tông (Sukjong) đã héo tàn và kết thúc như thế đó. Phần mộ của cô gọi là Đại tần mộ ban đầu nó ở Gwangju, Gyeonggi. Về sau người ta quy hoạch lại các khu lăng mộ Vương thất. Năm 1969, Đại tần mộ được chuyển về cụm Minh lăng (Myeongreung) an táng Túc Tông Đại Vương (King Sukjong) và 2 Vương hậu sau của ông là Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) và Nhân Nguyên Vương hậu (Queen Inwon). Đằng sau ngôi mộ là một tảng đá lớn và một cây thông đã phá vỡ tảng đá để phát triển. Có suy đoán rằng điều này tiết lộ rằng năng lượng của Trương Hy tần (Jang Hui bin) vẫn còn rất mạnh. Một số trang web của Hàn Quốc cho biết vì Trương Hy tần (Jang Hui bin) là một người phụ nữ mạnh mẽ như vậy. Có một niềm tin ở Hàn Quốc rằng nếu những phụ nữ trẻ độc thân muốn có bạn trai thì hãy đến thăm ngôi mộ của Trương Hy tần (Jang Hui bin) và tỏ lòng ngưỡng mộ, họ sẽ sớm tìm thấy tình yêu của mình.

Đây cũng là lần hoán cục cuối cùng trong thời gian trị vì của vua Túc Tông (Sukjong). Nghe qua ghi chép ta có cảm giác nhẹ nhàng như chỉ là một đảng phái mất quyền nhưng đằng sau đó là những trận gió tanh mưa máu thực sự cho những người trong cuộc. Mỗi một lần hoán cục sẽ là thanh trừng, kết tội, tố cáo, lưu đày, xử tử… số người mất mạng sau mỗi lần hoán cục lên đến 2000, 3000 người. Đối với một vị vua nhà Triều Tiên (Joseon), đây là một con số lớn khủng khiếp.

Về nhân vật Ok Jeong mình cực kỳ tò mò về dung mạo của bà, người phụ nữ xinh đẹp nhất trong lịch sử Joseon liệu trông như thế nào, đặc biệt là sau khi tìm được chân dung của Vương hậu In Hyeon (cũng đẹp), đáng tiếc là không tìm ra nguồn tài liệu nào về bức chân dung này. Sự thật về con người này như thế nào không ai biết được, nhưng trong suy nghĩ của mình, mình hình dung nhân vật này trong lịch sử sẽ giống với hình tượng Ok Jeong trong phim “Dong Yi”, một người phụ nữ xinh đẹp, tự tin, có lòng kiêu hãnh, dám yêu, dám hận với triết lý sống “thà một phút huy hoàng rồi chợp tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. 

Phim “Jang Ok Jung, Living by Love” chắc cũng lấy cảm hứng về cuộc đời bà như vậy nên đã ví hình tượng bà với pháo bông, mình thấy rất hợp. Nếu có trách móc nhân vật này, chỉ trách:

  • Bà đã yêu hết mình đến mức mù quáng, ghen tuông không ý thức được “Vua chỉ sủng chứ không yêu”.
  • Quá tham lam, không biết điểm dừng, không biết dừng lại đúng lúc. Nếu tất cả dừng lại khi bà bị phế xuống hàng Bin (Tần), mọi thứ sẽ khác rất nhiều.
  • Không ý thức về vị trí của mình, làm hậu cung có thể ghen, có thể không để ý lòng dân, có thể không gương mẫu. Nhưng đã bước lên vị trí Trung điện tất cả đều phải giữ kẽ, chú ý. Vua sợ nhất là gì? Chính là mất lòng dân. Ok Jeong và phái Nam In đã quá coi thường những tin đồn và lòng dân, nên phải trả giá thôi.
  • Mình không chắc đây có gọi là sai lầm của phe cánh bên cạnh không? Vì rõ ràng họ phải giỏi, mưu mô mới đưa bà lên được vị trí Trung điện. Nhưng sau đó sao lại mắc hàng loạt sai lầm, hay đang ngủ quên trên chiến thắng? Không nhìn ra thế cục, đưa ra lời khuyên đúng đắn cho bà? Nhưng rõ ràng bi kịch của đời bà có sự “đóng góp” không nhỏ của phái Nam In (Nam Nhân), anh trai và người mẹ thân sinh.

Bên dưới là tổng hợp những diễn viên đã từng thể hiện nhân vật này:

Phía dưới là hình ảnh do dân Hàn phỏng đoán, vẽ lại bà (cái này mình lượm lặt trên mạng), chỉ là hình ảnh không chính thức thôi. Mọi người tham khảo.

Hi vọng các bạn thích bài viết trên. Phần sau là phần cuối của bài này rồi, mình sẽ nói về  những năm cuối đời của Sukjong (Túc Tông) và vị hậu cung nổi tiếng còn lại của ông. 

Kuma

*Bài viết có sử dụng và tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, chủ yếu là wikipedia (tiếng Anh & tiếng Việt).

**Ảnh từ internet.