Sơ lược

Vua Triều Tiên Túc Tông hay Túc Tông Đại Vương (King Sukjong of Joseon) là vị vua thứ 19 của Vương triều Triều Tiên (Kingdom of Joseon), giới sử học đánh giá ông là một nhà chính trị đại tài, nhưng thời đại của ông khá sóng gió trong giới quan trường và hậu cung. Để tóm gọn vắn tắt về ông, mình nghĩ cụm từ “tay chơi về chính trị cũng như phụ nữ” có vẻ hợp nhất.

Vì sao lại nói như vậy? Về chính trị, ông thực hiện nhiều cuộc hoán cục (thay đổi đảng phái cầm quyền) nên chúng ta sẽ có cảm giác ông đang tung hứng các đảng phái trong tay mình. Về hậu cung, nếu các bạn tìm hiểu sẽ thấy danh sách các hậu cung nổi tiếng của Triều Tiên, gồm hơn chục người, trong đó hết 3 người là ở thời ông, 3 người này cũng thuộc hàng top nổi tiếng: Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan), Trương Hy tần (Jang Hui bin), Thôi Thục tần (Choi Suk bin).

Tiểu sử

Vua Triều Tiên Túc Tông (King Sukjong of Joseon) tên thật là Lý Đôn (Lee Soon) sinh năm 1661 mất năm 1720, là con trai duy nhứt của vua Triều Tiên Hiển Tông (King Hyeonjong of Joseon) và Minh Thánh Vương Hậu Kim thị (Queen Myeongseong of Kim clan). Con đường lên ngôi của ông không có trở ngại gì do ông không những là đích tử & trưởng tử mà còn là con trai duy nhất của vua cha nên việc ông thừa kế ngai vàng là mặc định. Vua Túc Tông (Sukjong) lên ngôi năm 1674 khi mới 14 tuổi.

Cuộc đời chính trị

Từ khi còn là Thế tử ông đã chứng kiến vua cha bị triều thần lấn át nên quyết tâm ngầm xây dựng lực lượng đoạt lại vương quyền. Có thể nói thêm một chút về việc này: trong lịch sử nhà Triều Tiên (Joseon) không phải nhà vua nào cũng có quyền lực thực sự trong tay. Đa số các vua đều bị các quan lại và giới sỹ phu lấn át mà bản thân các quan lại trong triều cũng chia thành nhiều phe phái khác nhau như Tây Nhân, Bắc Nhân, Nam Nhân…

Nổi bật trong số đó là phái Tây Nhân (Seo In). Đây chỉ là một đảng phái nhỏ nhưng nhờ làm phản chánh lật đổ Quang Hải Quân (Gwanghae Gun) khỏi ngai vàng nên nắm được quyền lực trong triều và ngày càng lớn mạnh, quyền lực của phái này đã kéo dài từ thời vua Nhân Tổ (Injo), Hiếu Tông (Hyojong), Hiển Tông (Hyeonjong) cho đến triều vua Túc Tông (Sukjong). Bản thân mẹ ruột của vua Túc Tông (Sukjong) là Minh Thánh Vương Hậu (Queen Myeongseong) cũng là người của phái Tây Nhân (Seo In). Bà được phái này hậu thuẫn nên khá ngỗ ngược, không coi vua cha Hiển Tông (Hyeonjong) của Túc Tông (Sukjong) ra gì. Mình xin tiết lộ một điều cực kỳ đặc biệt nữa để thấy bà ghê gớm tới cỡ nào, Hiển Tông (Hyeonjong) là vua duy nhất trong lịch sử Triều Tiên mà hậu cung chỉ có duy nhất 1 người: “là bà”. Nếu mở rộng ra chuyện này cũng chưa từng xảy ra ở các nước lân cận: như Việt Nam hay Trung Quốc. Vì mẹ đối xử với cha khá tệ nên Túc Tông (Sukjong) đã mang trong mình sự căm ghét/ ghét bỏ với phái Tây Nhân (Seo In), và lúc đầu ông đã đứng về phái Nam Nhân (Nam In).

Túc Tông (Sukjong) nhiều lần thay đổi nội các chính phủ gọi là hoán cục nghĩa là thay đổi đảng phái cầm quyền, đi cùng với điều này là lãnh đạo của phái đó sẽ bị trừng trị nặng nề. Việc hoán cục như vậy phần nào kích thích sự tranh giành giữa các đảng phái quan lại và mang lại quyền lực về cho nhà vua, dù cho đảng phái nào cầm quyền nhà vua vẫn nắm vương quyền trong tay. Tuy vậy việc hoán cục này không ảnh hưởng nhiều đến dân chúng, nên triều đại của ông vẫn được coi là một triều đại thịnh vượng. Trong suốt triều đại ông xảy ra 3 lần hoán cục:

  1. Canh Thân hoán cục năm 1680: loại bỏ phái Nam Nhân (Nam In) đưa phái Tây Nhân (Seo In) trở lại nắm quyền, nhưng phái Tây Nhân (Seo In) mâu thuẫn nội bộ nên lại chia thành 2 phái: Lão Luận (Noron) và Thiếu Luận (Soron).
  2. Kỷ Tỵ hoán cục năm 1688: loại bỏ 2 phái Lão Luận (Noron) và Thiếu Luận (Soron) để đưa phái Nam Nhân (Nam In) nắm quyền.
  3. Giáp Tuất hoán cục năm 1694: loại bỏ phái Nam Nhân và đưa 2 phái Lão Luận (Noron) và Thiếu Luận (Soron) nắm quyền trở lại.

Ở trên là các việc chính trị nổi bật của vua Túc Tông (Sukjong). Nhưng như mình đã nói: ông là một tay chơi chính trị và phụ nữ. Mỗi lần xảy ra các sự kiện chính trị lớn trong đời ông ít nhiều đều có liên quan tới những người phụ nữ…

Những bóng hồng gắn liền với hoán cục 

Queen Inhyeon và lần hoán cục thứ nhứt

Khi vương phi thứ nhứt của ông là Nhân Kính Vương hậu Kim thị (Queen Ingyeong of Kim clan) qua đời (lúc mới 18 tuổi) vì bịnh đậu mùa, ông đã đưa phái Tây Nhân lên nắm quyền đồng thời phong con gái của Mẫn Duy Trọng (Min Yoo Jung) – người đứng đầu phái Tây Nhân lên làm vương phi thứ hai của mình. Đó chính là Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan).

Kết hôn với nhau đã 3 năm nhưng do không được sủng ái nên Vương phi Mẫn thị vẫn chưa có con. Trong thời gian này, ông sủng ái Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong), một nữ quan phục vụ của tằng tổ mẫu (bà cố) nhà vua tức là Trang Liệt Vương hậu Triệu thị (Queen Jangryeol of Jo clan), cũng tức là vương phi của vua Triều Tiên Nhân Tổ (Injo). Vì sủng ái Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) nên ông đã cãi lời mẹ mình bằng việc đưa cô trở lại cung và phong là Thục viên (Sukwon) mặc cho trước đó cô đã bị mẹ ông đuổi ra khỏi cung.

*Nhà Triều Tiên có quy định là cung nữ một khi đã bị đuổi ra khỏi cung thì không thể quay trở lại dù với bất cứ lý do gì đi nữa. Người xưa cho rằng khi đã ra khỏi cung thì cung nữ đó đã không còn bảo đảm được phẩm hạnh. Việc Túc Tông (Sukjong) đưa cô trở lại cung bất chấp luật lệ trên cho thấy vương quyền nhà vua lớn đến mức nào.

Sau khi Ngọc Trinh (Ok Jeong) trở lại cung, cô được phong Thục viên (Sukwon) rồi Chiêu nghi (So eui). Năm 1688, Trương Chiêu nghi (Jang So eui) sinh hạ một Vương tử đặt tên là Lý Quân (Lee Yoon) – chính là vua Triều Tiên Cảnh Tông (King Gyeongjong of Joseon) sau này. Túc Tông lập tức phong Lý Quân (Lee Yoon) làm Nguyên tử (mặc dù tước này chỉ dành cho con trai đầu lòng của nhà vua và Vương phi) -> lại một lần nữa thể hiện sự sủng ái ông dành cho cô. Ngay sau khi sinh con xong, nhà vua phong cô lên Hy tần (Hui bin) đồng thời có ý phong Lý Quân (Lee Yoon) làm Vương thế tử. Việc này vấp phải sự phản đối cực lực của phái Tây Nhân (Seo In), còn phái Nam Nhân (Nam In)? Họ lại ủng hộ Trương Hy tần (Jang Hui bin).

Lúc này nhà vua tìm cách dọn đường cho Lý Quân (Lee Yoon) bằng cách yêu cầu Vương phi nhận cậu làm con ruột mình mặc dù trên danh nghĩa tất cả con nhà vua với thiếp thất đều là con Vương phi nhưng việc nhận chính thức là con ruột sẽ có ý nghĩa khác. Điều này thể hiện Lý Quân (Lee Yoon) sẽ vừa là trưởng tử vừa là đích tử.

*Đối với Việt Nam mình hay Trung Quốc việc là đích tử là một điều kiện mà có thì quá tốt, không có cũng không sao nhưng ở vương quốc Triều Tiên việc đích thứ rất quan trọng, dù là con nhà vua nhưng dòng đích và dòng thứ có danh phận rất khác nhau.

Tuy nhiên, trái với mong muốn của nhà vua, Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) đã từ chối đề nghị của ông. Ở đây cũng lại phải nói về quyền lực của Vương phi nhà Triều Tiên:

*Vương phi đứng đầu Nội mệnh phụ hay còn gọi là Hậu cung, chỉ đạo toàn bộ công việc thuộc Nội mệnh phụ, có nhiệm vụ quản lý và sắc phong các Nội quan và Cung quan. Có nghĩa là Vương phi có quyền đóng ấn chấp thuận hay bác bỏ bất cứ thứ gì theo ý mình mà ngay cả nhà vua hay Vương Đại phi cũng không thể thay mặt đóng ấn thế được (tác động đến Vương phi thì được). Lý do mà Nhân Hiển Vương hậu Mẫn thị (Queen Inhyeon of Min clan) và phái Tây Nhân (Seo In) ủng hộ cô đưa ra là cô vẫn còn trẻ, vẫn còn khả năng có con nên không gấp gáp nhận con nuôi.

Túc Tông tất nhiên không hài lòng với quyết định này của Vương phi. Bất hạnh trong cuộc đời cô bắt đầu ụp xuống. Năm 1689, Vương phi Mẫn thị (Queen Min) bị Trương Hy tần (Jang Hui bin) tố cáo vì có ý mưu hại Vương tử Lý Quân (Lee Yoon). Túc Tông (Sukjong) cùng các Nho gia vô cùng tức giận, tội danh mưu hại Vương tử khiến Vương phi Mẫn thị (Queen Min) bị phế làm thứ dân, trục xuất khỏi cung đến Cảm Cổ đường. Bên cạnh đó, nhà vua cũng quyết định làm hoán cục lần 2 loại bỏ phái Tây Nhân (Seo In), sự kiện này gọi là Kỷ Tỵ hoán cục.

Jang Hui Bin và lần hoán cục thứ hai

Cha của Vương phi là Mẫn Duy Trọng (Min Yoo Jung) đồng thời cũng là đại thần đứng đầu phái Tây Nhân (Seo In) bị cách chức, tịch thu tài sản, đi lưu đày cùng hàng loạt quan chức phái Tây Nhân (Seo In) khác. Sau này Mẫn Duy Trọng (Min Yoo Jung) bị bệnh mất ở nơi lưu đày. Mẹ vua Túc Tông (Sukjong), người luôn ủng hộ tuyệt đối cho Nhân Hiển Vương hậu (Queen Inhyeon) lúc này đã qua đời. Có nhiều đồn đoán quanh cái chết của bà là do Trương Hy tần (Jang Hui bin) hãm hại nhưng không có bằng cớ xác đáng. Bản thân bà cũng vì ủng hộ Vương phi họ Mẫn (Queen Min) mà đối xử rất tàn tệ với Trương Hy tần (Jang Hui bin), bà không từ một thủ đoạn nào để đối phó cô: đuổi ra khỏi cung điện, mắng chửi cô là đồ yêu nghiệt mê hoặc quân vương, xuất thân tiện tỳ, tâm tà hiểm độc… Vì vậy đã xuất hiện nhiều lời đồn về việc Trương Hy tần (Jang Hui bin) đầu độc bà. Ở nơi lưu đày điều kiện khó khăn khắc nghiệt, lại sống một cuộc sống đạm bạc và bần cùng trong thời gian này thì một tiểu thư vốn sinh ra trong nhung lụa như Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min) sao có thể chịu nổi, cô bắt đầu ngã bệnh…

Nhân cái chết của mẹ vua Túc Tông là Minh Thánh vương hậu, mình xin bày tỏ vài suy nghĩ cũng như cảm nhận về nhân vật này. Theo như trong phim mình thấy bà này là kiểu người quá quắt, phân biệt giai cấp nặng nề, ức hiếp chồng, con, con dâu có xuất thân không phải quý tộc. Một số điều có thể lý giải do bà xuất thân cao quý, tư tưởng trong xã hội thời đó ăn sâu vào suy nghĩ của con người rồi. Nhưng một số việc vẫn không thể chấp nhận được, cho dù là trong thời đó: 

  • Ức hiếp chồng, trong khi chồng là vua ah. Ghen tuông đến nỗi ông không có một người nào trong hậu cung.
  • Bản thân là quý tộc, vương thất mà tin vào mấy trò đồng bóng (bà là tín đồ của Shaman giáo và rất sùng đạo). 
  • Can thiệp sâu vào chuyện chính trị, tác động, tham gia vào việc đấu đá giữa các phái. Quy định hậu cung không thể can chánh, mình nghĩ nước nào cũng có?

Trở lại về cái chết của bà, nguyên nhân chính là do trong 1 lần vua Túc Tông (Sukjong) bị bất tỉnh, bà đã tổ chức lễ cầu nguyện trong cung, mặc trang phục mùa hè (mỏng manh) thực hiện các nghi thức tưới nước các kiểu gì đó trong mùa đông. Vì vậy bị cảm nặng rồi chết cùng năm đó. 

Người trẻ như tụi mình mà làm kiểu đó trong tiết trời mùa đông của Triều Tiên còn ngã bịnh, huống chi 1 người già? Vậy mà cũng tạo thành tin đồn để đổ tội cho Trương Hy tần (Jang Hui bin) trù ếm? Mình nghĩ các phim sau này không nên dựa vào giai thoại này để đổ tội lên đầu nhân vật này nữa, có vẻ quá tội lỗi, thời buổi hiện đại rồi, cũng nên có những phân tích để nhìn nhận rõ ràng.

Sau khi phế bỏ Mẫn Vương phi (Queen Min), vua Túc Tông (Sukjong) lập Trương Hy tần (Jang Hui bin) lên làm Vương phi thứ ba của mình đồng thời sắc phong Nguyên tử Lý Quân (Lee Yoon) làm Vương Thế tử. Có thể nói lúc này Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong) đã có tất cả mọi thứ trong tay mình: quốc mẫu, vị trí Trung điện, con trai là Vương Thế tử sẽ thừa kế ngai vàng trong tương lai, được cả phái Nam Nhân (Nam In) lúc này đang nắm quyền trong triều ủng hộ. Những tưởng rằng lúc này cô đã có tất cả trong tay, nhưng…. mọi thứ chỉ là khởi điểm cho chuỗi ngày bất hạnh về sau của Trương Ngọc Trinh (Jang Ok Jeong).

Từ sau khi Ngọc Trinh (Ok Jeong) nắm được vị trí Trung điện, phái Nam Nhân (Nam In) lũng đoạn triều chính, củng cố quyền lực và tìm cách loại bỏ phái Tây Nhân (Seo In). Vua Túc Tông (Sukjong) thì lại muốn giữ nguyên thế lực Tây Nhân (Seo In) để có sự cân bằng hai phe đối lập. Trong triều xuất hiện mâu thuẫn giữa quyền lợi của nhà vua và phe phái chính trị ủng hộ cho Trung điện. Người nhà của Trung điện thì tự tung tự tác gây nhiều thị phi khiến dân chúng căm phẫn. Bản thân Vương phi sau khi được sắc phong tỏ ra ngỗ ngược, độc đoán và ghen tuông mù quáng với các Hậu cung khác. Những điều đó khiến vua Túc Tông (Sukjong) ngày càng lạnh nhạt với Trung điện.

Theo Triều Tiên Vương triều thực lục: một đêm nọ nhà vua cảm thấy khó ngủ, ngài đi dạo xung quanh cung điện thì thấy một cô gái đang cầu nguyện bên mâm lễ vật. Hỏi ra thì ra cô vốn là cung nữ hầu hạ của Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min). Hôm nay là sanh thần của chủ cũ, cô nhớ ơn nên cầu nguyện cho sức khỏe của bà. Cảm động trước sự việc trên, nhà vua ở lại nơi đó cả đêm để “trò truyện, tâm sự” cùng cô. Cô cung nữ này họ Thôi (Choi) vốn chỉ là một Thủy tứ (Sui chee/ Musuri) thấp kém, nhưng sự kiện trên đã đánh dấu cho sự xuất hiện của cô trong Hậu cung cũng như chính trường.

Chúng ta không rõ sự việc trên có phải do tàn dư của phái Tây Nhân (Seo In) sắp đặt hay không vì không có ghi chép khác nhưng theo mình thì chắc chắn đó là một sự sắp đặt. Không có chuyện đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm như vậy. Vì sao mà một Thủy tứ (Sui chee/ Musuri) thấp kém lại được cả phái Lão Luận (Noron) tách ra từ phái Tây Nhân (Seo In) ủng hộ chỉ sau một đêm? Trên đời không có nhiều chuyện ngẫu nhiên trùng hợp đến vậy, một kết quả mang lại lợi ích cho ai đó lại vô tình xảy ra mà không có sự sắp xếp trước -> Quá vô lý!!!

Về phần nhà vua, ông có biết đây là một màn kịch sắp xếp từ trước? Mình nghĩ, không cần đoán, với một nhà chính trị lão luyện như ông chắc chắn biết. Vấn đề là sao ông vẫn chấp nhận? Vì có lẽ cô gái mà phái Lão Luận (Noron) đó sắp đặt hợp ý nên ông thuận nước đẩy thuyền thôi. Ông bắt đầu sủng ái Thôi (Choi) thị và sắc phong cô là Thôi Thục Viên (Choi Suk Won). Sau đó, Thôi thục viên (Choi Suk Won) cùng phái Tây Nhân (Seo In) tác động đến vua Túc Tông (Sukjong), dẫn đến việc nhà vua có ý muốn phục vị cho Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min). Cảm thấy mối đe dọa, Trương Hy tần (Jang Hui bin) đã cùng anh trai là Trương Hy Tái (Jang Hee Jae) lên kế hoạch, giết hại Phế phi Mẫn thị (deposed Queen Min), nhưng việc này đã bị vua Túc Tông (Sukjong) phát giác và ngăn chặn. Nhìn vợ mình đi đày khổ sở bệnh tật có lẽ ông cũng mủi lòng, nay lại còn bị mưu hại. Từ đó, nhà vua nhen nhóm ý muốn phục vị cho Phế phi.

Phần này xin tạm kết thúc ở đây, phần 2 xin bắt đầu từ lúc có sự tham gia của Thôi Thục Viên (Choi Suk Won). Hi vọng các bạn thích bài viết trên.  

Kuma

*Bài viết có sử dụng và tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, chủ yếu là wikipedia (tiếng Anh & tiếng Việt)