Tụi mình search và coi show này trên Netflix, không biết trên mạng có coi được gameshow này không. Tụi mình bỏ Netflix cũng hơn cả năm rồi, vì nội dung hồi đó khá ít và chán. Đợt gần đây nghe vợ chồng người bạn giới thiệu Netflix giờ nội dung đa dạng, update nhiều phim Hàn (mà tụi mình hay coi phim Hàn) thế là lại mò vào đăng ký lại để coi. Đây là show mang lại cho những ai đam mê ẩm thực những sự thán phục, trầm trồ và bất ngờ. Lần đầu tiên có 1 show ẩm thực quy tụ nhiều bếp trưởng tiếng tăm từ các nước cùng thi tài với nhau, phô diễn các kỹ năng đỉnh cao trong nghề nghiệp của họ, lần đầu tiên mình thấy món ăn được đưa lên, không đơn thuần là một món ăn, mà được nâng tầm như 1 tác phẩm nghệ thuật :). Lần đầu tiên các giám khảo là những đầu bếp sở hữu sao Michelin danh giá đến từ các nước. Rất đáng để mong chờ và theo dõi.

Tên:

  • Tiếng Anh: The Final Table
  • Tiếng Việt: Ẩm thực bốn phương

Đầu bếp tham dự:

  1. Aaron Bludorn (United States) and Graham Campbell (Scotland)
  2. Darren MacLean (Canada) and Timothy Hollingsworth (United States)
  3. Shin Takagi (Japan) and Ronald Hsu (United States)
  4. Alex Haupt (Netherlands) and Ash Heeger (South Africa)
  5. Shane Osborn (Australia) and Mark Best (Australia)
  6. Monique Fiso (New Zealand) and Amninder Sandhu (India)
  7. James Knappett (United Kingdom) and Angel Vazquez (Mexico)
  8. Jessica Lorigio (United States) and Johnny Spero (United States)
  9. Collin Brown (Jamaica) and Colibri Jimenez (Mexico)
  10. Esdras Ochoa (Mexico) and Rafa Gil (Brazil)
  11. Charles Michel (Colombia & France) and Rodrigo Pacheco (Ecuador)
  12. Manuel Berganza (Singapore & Spain) and Benjamin Bensoussan (France)

Giới thiệu về luật chơi:

Show này có tất cả 10 tập. Mỗi tập lấy chủ đề là ẩm thực của 1 nước, chia làm 2 vòng:

1.Vòng đầu tiên: sẽ có 3 giám khảo đại diện cho đất nước đó đến chấm điểm. Thông thường trong 3 người này sẽ có 1 nhà phê bình ẩm thực và 2 người nổi tiếng tại đất nước đó. 3 vị giám khảo này sẽ chọn 1 món ăn đặc trưng cho nước mình làm chủ đề thi cho vòng đầu. Sau đó chọn ra 3 đội nấu tốt nhất, sẽ là 3 đội an toàn, 3 đội nấu tệ nhất sẽ lọt vào vòng nguy hiểm và tiếp tục đấu loại trừ với nhau. Tất nhiên càng về sau, số lượng các đội càng ít thì số lượng đội an toàn càng thấp. Vậy chiến thuật sống sót ở vòng này là gì?

Bởi vì chỉ có 1 giám khảo là nhà phê bình ẩm thực nên sáng suốt nhất vẫn là cố gắng lấy được phiếu bình chọn từ 2 vị giám khảo còn lại. Nghĩa là bạn phải nắm bắt được khẩu vị chung của nước đó, cố gắng nấu ngon theo hướng truyền thống là an toàn nhất. Tất nhiên nếu món ăn nước đó không phải là sở trường của vị bếp trưởng này, còn nếu thật sự tự tin và là sở trường thì cứ việc bay bổng, sáng tạo nhưng cốt yếu vẫn là bạn phải an toàn để còn đi tiếp.

2. Vòng loại trừ: giám khảo là 1 bếp trưởng chuyên nghiệp, sở hữu sao Michelin đến từ đất nước chủ đề. Vị giám khảo này sẽ chọn 1 nguyên liệu đặc trưng của nước mình làm chủ đề, các thí sinh phải nấu 1 món chính với chủ đề là nguyên liệu này và làm nổi bật được nguyên liệu này trong món ăn. Đây là vòng đấu quyết định sinh tử, giám khảo lại là đầu bếp chuyên nghiệp, họ đề cao kỹ năng, sự sáng tạo nên trái với vòng đầu, đây là lúc để các đầu bếp phát huy tất cả khả năng, sự sáng tạo, mạo hiểm của mình.

Vòng chung kết sẽ chọn ra 4 đội, 8 thành viên của bốn đội sẽ thi đấu cá nhân ở vòng chung kết. Giám khảo cho vòng chung kết? Là cả 9 giám khảo đã từng xuất hiện ở các tập trước. Nếu ở các vòng trước họ đã từng hợp tác, giúp đỡ nhau, thì ở vòng đấu cuối cùng họ sẽ cạnh tranh với nhau để giành lấy danh hiệu người chiến thắng cuối cùng, người sẽ có thể ngồi chung mâm với 9 vị giám khảo bên dưới.

Danh sách ban giám khảo:

Enrique Olvera: bếp trưởng người Mexico, sở hữu và là bếp trưởng cho nhà hàng Pujol. Nhà hàng chuyên về món Mexico, theo trường phái ẩm thực phân tử, là nhà hàng ngon nhất ở thành phố Mexico, được xếp vào 1 trong 50 nhà hàng tốt nhất thế giới.

Andoni Aduriz: bếp trưởng người Tây Ban Nha, một trong những đầu bếp có ảnh hưởng của thời đại, là bếp trưởng cho nhà hàng Mugaritz, ông có thời gian làm việc tại nhà hàng El Bulli (nhà hàng với bếp trưởng Ferran Adrià – cha đẻ của ẩm thực phân tử). Vì vậy nhà hàng của ông cũng theo trường phái ẩm thực phân tử, được xếp vào 1 trong 50 nhà hàng tốt nhất thế giới, hiện giữ 2 sao Michelin.

Clare Smyth: nữ bếp trưởng người Bắc Ireland. Trước đây bà là bếp trưởng cho nhà 3 sao Michelin của Gordon Ramsay. Năm 2016 bà rời nhà hàng của Gordon Ramsay và 2017 tự mở nhà hàng riêng cho mình. Bà đạt rất nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp nấu nướng của mình. Nhà hàng Core của bà hiện đang nắm giữ 2 sao Michelin.

Helena Rizzo: nữ bếp trưởng người Brazil. Bà được bầu chọn là 1 trong 50 đầu bếp nữ giỏi nhất năm 2014. Bà sở hữu và là bếp trưởng nhà hàng Maní, hiện đang giữ 1 sao Michelin.

Vineet Bhatia: bếp trưởng người Ấn Độ, ông sở hữu và là bếp trưởng nhà hàng Vineet Bhatia London, nắm giữ 1 sao Michelin. Điều kỳ lạ là, 1 tuần sau khi nhận sao Michelin, ông đóng cửa nhà hàng, thông báo dời địa điểm và không nói khi nào mở lại? Tính cách cũng khá kỳ quặc đó.

Grant Achatz: bếp trưởng người Mỹ, ông sở hữu và là bếp trưởng của nhà hàng Alinea tại Chicago. Nhà hàng này hiện giữ 3 sao Michelin. Ông từng xuất hiện trong show “The Chef Table – Bàn của bếp trưởng”. Mình rất ấn tượng với vị bếp trưởng này bởi món ăn của ông quá sáng tạo, gây nhiều bất ngờ cho thực khách. Thêm vào đó, ông từng mắc bệnh ung thư lưỡi giai đoạn 4 cách đây 2-3 năm. Thật oái ăm cho một người làm ẩm thực như ông. May mắn thay, sau khi thông tin ông mắc bệnh được tung ra, một nhóm nghiên cứu ở trường đại học đã tiếp cận ông, đề nghị tham gia thử nghiệm. Đến thời điểm này ông xuất hiện tại show có vẻ mọi người cũng thở phào và mừng cho ông đã vượt qua căn bệnh. Các bạn có thể thấy cách ông nói chuyện nghe hơi bị đớt đớt, mình nghĩ là di chứng vẫn còn, nhưng ông vẫn sống và làm việc được đó là điều đáng mừng cho giới ẩm thực.

Carlo Cracco: bếp trưởng người Ý, ông này tham gia khá nhiều show, ông cũng là giám khảo của cuộc thi Masterchef Ý. Thời còn trẻ ông từng làm việc cho Alain Ducasse (một bếp trưởng rất nổi tiếng). Ông sở hữu và là bếp trưởng của nhà hàng Cracco, một trong 50 nhà hàng tốt nhất thế giới. Lúc đầu nhà hàng có 2 sao Michelin, sau dời địa điểm bị giáng xuống còn 1 sao.

Yoshihiro Narisawa: bếp trưởng người Nhật, sở hữu và là bếp trưởng nhà hàng 2 sao Michelin Les Créations de Narisawa ở Tokyo. Nhà hàng ông từng lọt top 50 nhà hàng tốt nhất thế giới.

Anne-Sophie Pic: nữ bếp trưởng người Pháp, bà vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống về ẩm thực. Ba bà cũng là 1 đầu bếp sở hữu nhà hàng Maison Pic với 3 sao Michelin, sau khi ông mất thì nhà hàng mất sao. Bà theo nghiệp của cha và quyết giành lại 3 ngôi sao cho nhà hàng của gia đình. Sau đó bà mở nhà hàng thứ 2 Anne Sophie Pic ở Thụy Sỹ, nhà hàng này cũng giành được 2 sao Michelin. Bà là nữ bếp trưởng người Pháp thứ 4 giành được 3 sao Michelin và được công nhận như nữ bếp trưởng giỏi nhất theo “The World’s 50 Best Restaurants” năm 2011.

Cảm nghĩ về gameshow:

Để giữ sự hồi hộp và kịch tính của cuộc thi, ở review này mình sẽ không hé lộ kết quả người thắng cuộc. Sau khi xem xong game show mình thấy kích thích nhiều, hiểu được một số ẩm thực trên thế giới chưa có cơ hội tiếp xúc. Ở show ẩm thực này, tính hợp tác đồng đội cao, không có nhiều những lời trách móc, đổ lỗi, phải nói họ làm việc rất chuyên nghiệp, có trách nhiệm.

Trong số những vị giám khảo, mình ấn tượng nhất với giám khảo Grant Achatz (lý do mình đã nói ở trên), mình thực sự khâm phục nghị lực và lòng yêu nghề của ông. Ngoài vị giám khảo này thì mình thấy giám khảo người Pháp – Anne-Sophie Pic, người Brazil – Helena Rizzo và người Nhật – Yoshihiro Narisawa là có vẻ vui tính và thân thiện hơn cả. Đầu bếp người Ý – Carlo Cracco và người Mỹ – Grant Achatz nhìn mặt thấy có vẻ nghiêm khắc, khó tính nhất.

Trong số những thí sinh mình thấy đáng tiếc cho đội Nhật, cho bếp trưởng Shin Takagi (nhà hàng ông nắm giữ 2 sao Michelin), mình thấy tiềm năng ở ông lớn và cứ nghĩ ông sẽ đi xa hơn, cuối cùng lại phải dừng chân quá sớm. Nhưng biết sao được, dù sao mình vẫn chỉ coi với tư cách khán giả và làm sao có sự đánh giá chuyên nghiệp như các giám khảo được.

Đội gây được nhiều cảm xúc cho mình là đội của Charles Michel (Colombia & France) and Rodrigo Pacheco (Ecuador) bởi sự sáng tạo và đẹp đẽ mà họ trình bày ở mỗi tập. Chỉ biết xuýt xoa khi nhìn thấy món ăn. Nhưng càng về sau khi càng vô sâu, đối mặt với những đối thủ nặng ký và kinh nghiệm thì rõ ràng họ bị lép vế nên kết quả mình thấy cũng hợp lý.

Lúc đầu mình thấy không thích đội của Aaron Bludorn (United States) and Graham Campbell (Scotland). Mình cảm thấy họ nấu yếu, thất thường và chưa xứng đáng để đi tiếp. Nhưng càng về sau thấy đội này nấu chắc chắn, ổn định, có lẽ thành viên đội này còn quá trẻ, họ bị ấp lực tâm lý chưa vững vàng nên phong độ thất thường. Nhưng về sau họ chứng tỏ họ là đối thủ đáng gờm và tiềm năng ah.

Cám ơn mọi người đã đọc bài viết. Hẹn gặp mọi người ở bài viết sau.

Usagi

*Ảnh từ internet

55,740 thoughts on “[Review Gameshow] The Final Table – Ẩm thực bốn phương

Leave a Reply

Your email address will not be published.